Suốt chiều dài lịch sử, các dòng sông đã đóng một vai trò quan trọng gắn liền với đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của con người. Nền văn minh của nhân loại thường gắn với những con sông. Cho đến ngày nay, các quốc gia phát triển đã lưu giữ “nền văn minh” đó bằng cách tổ chức phố đi bộ ven sông. Tôn tạo nét đẹp của những con sông đã trở thành xu hướng trong tiến trình phát triển của các đô thị trên thế giới [1]. Có 3 lý do khiến phố đi bộ trở nên phát triển mạnh mẽ những năm gần đây: Sự bùng nổ đô thị khiến người dân có nhu cầu đi bộ thư giãn; nhu cầu phát triển thương mại – du lịch; và phát huy các yếu tố đặc trưng của địa phương [2].

Việc đi bộ trong đô thị lại mang những điểm khác biệt với việc đi bộ ven sông. Đầu tiên phải kể đến khác biệt từ việc khai thác tiềm năng cảnh quan: Phố đi bộ ven sông mang trong mình sự thuận lợi với tầm nhìn sông nước, không khí luôn trong lành mát mẻ, cảnh sắc có thể thay đổi liên tục nếu biết khai thác đúng giá trị, mang đến sự trải nghiệm phong phú hơn về mặt hình ảnh.

Tuyến đi bộ ven sông San Antonio – Texas (Hoa Kỳ)

Một số Phố đi bộ ven sông nổi tiếng trên thế giới
Thành phố Venice – là đô thị duy nhất ở châu Âu trong thế kỷ 21 chủ yếu có các phố đi bộ hoàn toàn không có xe cơ giới. Kênh đào Grande – mạch giao thông chính của thành phố được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới với nhiều kiến trúc độc đáo nằm hai bên bờ kênh như Nhà Vàng – xây bằng đá hoa cương nhiều màu và được trang trí mạ vàng ở mặt tiền cùng những cây cầu đi bộ đẹp. Venice còn nổi tiếng bởi lễ hội hóa trang carnival diễn ra vào tháng 2, các khu phố mua sắm bày bán những sản phẩm địa phương, các khu phố ẩm thực nổi tiếng với rượu cùng các món ăn mang hương vị phương đông. Bởi lối kiến trúc tráng lệ, đậm nét văn hóa lịch sử lâu đời xưa cổ còn được giữ lại gần như nguyên vẹn, các dãy phố cổ đi bộ ngoằn nghèo theo kiểu kiệt hẻm mở ra nhiều không gian bất ngờ như quảng trường, tháp nước, tháp chuông, nhà thờ, kênh đào… kiểu nhà ống nhiều cửa sổ với mặt tiền mang nhiều màu sắc [3].

Một điển hình khác là tuyến đi bộ ven sông San Antonio ở vùng Texas, Hoa Kỳ. Nằm dưới cốt đường đô thị khoảng 5m là một dòng sông không lớn, bề ngang khoảng 10m, sâu chỉ khoảng 1,6 m dọc tuyến đi bộ, uốn lượn quanh một khu vực được khai thác cho du lịch khoảng 20km (trong tổng chiều dài 386km). Khu đi bộ trung tâm là một đoạn sông khoảng 2km dọc hai bên bờ với hàng trăm nhà hàng, khách sạn, khu thương mại bên trên. Sự pha trộn các nền văn hóa khác nhau như Mexico, Tây Ban Nha, Anh… đã tạo cho đô thị San Antonio nét độc đáo riêng. Mọi ngóc ngách của lối đi hai bên dòng sông này đều rất đa dạng được chăm sóc rất kỹ càng trong thiết kế. Hàng năm, người ta tổ chức các lễ hội Carnival khiến cho phố xá quanh dòng sông ngày càng sầm uất [4].

Một thành công khác là phố đi bộ Clarke Street – Singapore, đây từng là bến cảng có lịch sử lâu đời nằm cạnh và trải dài bên bờ sông Singapore, có bề dày lịch sử gần 150 năm [5]. Cơ quan Phát triển Đô thị (URA) quyết định Clarke. Một khu vực cần bảo tồn bởi có giá trị lịch sử và sự kết hợp của một số nền văn hoá từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mã Lai, thể hiện ở thiết kế các tòa nhà [6].

Kết quả sau phục hồi khu vực này đã trở nên đầy màu sắc và sống động, trở thành một địa điểm thú vị để viếng thăm. KTS Alsop [5] đã đưa ra một quy trình kiến trúc quốc tế áp dụng để thiết kế lại mặt tiền của dãy khu nhà ở cửa hiệu, mái che mưa, bể phun nước, quan cảnh đường phố và khu vực ăn uống ngoài bờ sông. Dự án này điều chỉnh khéo léo vi khí hậu thông qua hệ thống che nắng và làm mát tinh vi khiến nhiệt độ xung quanh khu vực giảm xuống đến 4°C.

Dự án hồi sinh Suối Cheonggyecheon – khu phố đi bộ công cộng hiện đại kéo dài gần 6 km nằm giữa trung tâm Seoul, Hàn Quốc là một ví dụ khác. Khu vực thiên nhiên này từng bị bê tông hóa trở thành đường cao tốc trong suốt 50 năm. Năm 2003, Seoul khôi phục lại dòng suối, gỡ bỏ con đường cao tốc trên cao và tái sinh một dòng chảy vốn đã cạn khô, bị san lấp từ lâu. Dự án cung cấp thêm không gian xanh và đường thủy nội đô nhân tạo, cải thiện luồng giao thông qua khu vực, góp phần nâng cao hình ảnh của Seoul và giúp quảng bá du lịch [7]. Suối Cheonggyecheon cũng mang đến một bầu không khí mát mẻ cho khu vực lân cận với tầm nhiệt độ trung bình thấp hơn khoảng 3 – 6°C so với các khu vực khác của Seoul. Số lượng phương tiện giao thông đi vào trung tâm thành phố cũng đã giảm xuống trong khi số người sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng lại tăng lên. Cheonggyecheon đã tạo ra một sức ảnh hưởng tích cực cho Seoul [8].

Nghiên cứu và triển khai phố đi bộ ven sông tại Việt Nam
KTS Nguyễn Khởi [9] đã nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của tuyến phố đi bộ ven sông Sài Gòn. Ông đã sử dụng phương pháp giả định, đề xuất giải pháp, xác định rõ các đối tượng di sản đô thị cần được bảo tồn, cải tạo thích ứng kết hợp với việc xây chen có định hướng và việc phân khu chức năng rõ ràng như không gian đi bộ, nghỉ ngơi, ngắm cảnh, duy trì và tổ chức lại các bến du thuyền ven sông, chỉnh trang lại không gian sinh hoạt cộng đồng khu vực quảng trường Mê Linh nhằm chuyển tải tính chất sông nước sang trung tâm đô thị mới…

Phố đi bộ ven sông đặc trưng ở Venice – ảnh: tác giả

Dự án Phố đi bộ Kenton River Walk nằm trong khu phức hợp Kenton Node Hotel Complex ra mắt vào tháng 5/2017. Với lợi thế sẵn có tiếp giáp với dòng sông Rạch Đĩa, chủ đầu tư đã khai thác vẻ đẹp tự nhiên, tận dụng những luồng gió tự nhiên để hình thành khu phố đi bộ trải dài 1.400 m [10]. Đây là nơi diễn ra lễ hội đường phố, ngay trung tâm phố đi bộ bố trí sân khấu chính tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ. Kenton Walk River còn có phố ẩm thực; kế đó là khu hồ bơi rộng 10.000m2 có không gian như một resort cao cấp. Một điểm nhấn nổi bật khác của phố đi bộ có dàn nhạc nước đa phương tiện dưới dòng sông Rạch Đĩa, trị giá lên đến gần 3 triệu USD, trong đó những vòi nước phun cao tới 100 m phối hợp cùng hệ thống ánh sáng và âm thanh chuyên nghiệp [11].

TP. HCM có hai con phố đi bộ nổi tiếng là Nguyễn Huệ và Bùi Viện, hình thành trên nền tảng đường giao thông sẵn có, sau đó chuyển đổi công năng thành phố đi bộ, nên vẫn còn hạn chế: Thiếu chỗ đỗ xe, thiếu cây xanh, dành cho những hoạt động vui chơi của giới trẻ và người nước ngoài chứ không phải cho trẻ em và người cao tuổi. Dự án phố đi bộ Sakura Park quận 7 sẽ hoàn thành vào năm 2019 là cái tên nổi lên gần đây. Đây thực ra là một công viên hoa anh đào kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc, văn hóa Việt Nam và Nhật Bản. Loại cây chủ yếu sẽ là Singapore Sakura và các chủng cây hoa có màu sắc và hình dáng giống hoa anh đào. Trong khu vực có những tiện ích, khu vui chơi giải trí ngoài trời hấp dẫn và an toàn cho cả người lớn lẫn trẻ em, cây xanh chiếm 45% tổng diện tích. Sakura Park có 3 khu: Khu quảng trường chính, khu sân chơi trẻ em, khu thể thao. Sakura Park có quy hoạch tổng thể bài bản, giữ nguyên vẹn sự hài hòa giữa cảnh quan, kiến trúc và không gian chức năng, đảm bảo an ninh, an toàn, tiện lợi cho hoạt động vui chơi của cư dân mọi lứa tuổi [13].

Dự án “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ Nam sông Hương” – Huế bắt đầu từ 2018, gồm các hạng mục như: Cầu đi bộ, sàn lát gỗ lim, bến du thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, hệ thống giao thông, hệ thống chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác nhằm kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, phục vụ khách du lịch vui chơi, ngắm cảnh. Đường đi bộ sẽ chia làm 3 không gian với nhiều tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường nhỏ tổ chức sự kiện… Những đường dốc, ki-ốt, bồn hoa, trên đường đi bộ tạo kiến trúc nhẹ nhàng, thiết kế đơn giản bằng vật liệu gỗ phù hợp. Mục tiêu của dự án nhằm tạo điểm trung tâm liên kết khu vực và tạo điểm nhấn cho tầm nhìn phía Bắc bờ sông Hương [12].

Phố đi bộ Clarke Street – Singapore

 Xu hướng và giải pháp cho phố đi bộ ven sông
Từ những dự án phát triển trong nước cùng những dự án đã xây dựng và trên thế giới, ta có thể nhận ra có 2 xu hướng chính để hình thành và phát triển Phố đi bộ ven sông.

Một là xu hướng truyền thống: Sau khi chuyển đổi công năng của những tuyến đường giao thông ven sông trên nền tảng giao thông sẵn có, kết hợp với việc bố trí thêm các khu vực vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống hấp dẫn, tổ chức lại giao thông tiếp cận cho phù hợp, xây dựng các không gian riêng cho các trò chơi dân gian, các lễ hội như đặc sản về tinh thần… Điểm đặc biệt của xu hướng này chính là việc các nhà quản lý gần như giữ lại nguyên vẹn toàn bộ kiến trúc hiện hữu, chỉ tu sửa lại phần mặt tiền cho đồng nhất với nhau về mặt hình ảnh để tạo ra nét cổ kính đồng thời mục đích để bảo tồn kiến trúc vốn đã mang nét văn hóa bản địa.

Hai là xu hướng hiện đại: Dựng mới hoàn toàn sau khi đã lựa chọn địa điểm khai thác, thậm chí bỏ ra một chi phí rất lớn để cải tạo và duy tu bảo dưỡng hằng năm. Ngoài việc xây dựng mới không gian dạo bộ, kết hợp với các khu vực thương mại dịch vụ, ăn uống mua sắm, vui chơi giải trí mới mẻ hấp dẫn. Kiến trúc của các khu công cộng tại đây đều được xây mới với lối kiến trúc hiện đại, hình thức đồng bộ, được thiết kế tỉ mỉ và quản lý ngay từ đầu. Mục đích chính đem lại lợi ích kinh tế cùng với việc giúp quảng bá thêm du lịch, văn hóa tại địa phương.

Phố đi bộ ven sông Hàn: Từ nghiên cứu đến thực tiễn
Theo khảo sát xã hội học về việc phát triển tuyến phố Trần Hưng Đạo ven sông Hàn – Đà Nẵng, chúng tôi thu được các kết quả sau:

80% mong muốn hình thành tuyến phố đi bộ ven sông Hàn;
Khoảng một nửa số người cho rằng họ đặc biệt muốn đến vào các tối cuối tuần và vào ban đêm;
30% muốn rằng phố đi bộ phải có điểm tựa tốt, 30% ý kiến muốn sự sạch sẽ và thẩm mỹ và 40% cần nhất là đủ bóng mát, cả 3 tiêu chí đều rất cần thiết và dường như không thể tách biệt;
20% chọn xe điện, 40% lựa chọn xe đạp, 35% muốn được đi lại bằng phương tiện xích lô tiếp cận tuyến đi bộ, dường như người dân hứng thú với việc được trải nghiệm các phương tiện giao thông đơn giản ít phát thải, an toàn hơn so với các loại hình giao thông hiện đại;
Việc tổ chức các chương trình trong không gian phố đi bộ (có 20% chọn biểu diễn văn nghệ, 20% muốn xem diễn xiếc đường phố, 25% thích thú với biểu diễn nhạc nước, 30% sẽ hào hứng tham gia các trò chơi dân gian) cho thấy nhu cầu muốn được xem các giá trị truyền thống xưa cũ mang tính văn hóa bản sắc riêng của dân tộc được tái hiện sinh động trên phố đi bộ;
15% người được hỏi ưa thích các khu vực có thể ngồi tập trung nghỉ ngơi, 25% là khu vực dịch vụ thương mại, 30% là khu vực tổ chức các chương trình giải trí, 25% là các địa điểm tham quan nổi tiếng cho thấy nhu cầu khi đến phố đi bộ phải đáp ứng như ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí đầy đủ bên cạnh việc tham quan sẽ tạo được nét hấp dẫn lớn hơn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người sống ở ngay tại trung tâm đô thị có tuổi thọ cao hơn những người sống tại các khu đô thị ven trung tâm bởi vì đi bộ nhiều hơn. Năm 2009, thành phố Copenhagen phát động chiến dịch biến thành phố thành nơi đáng sống nhất trên thế giới bằng quy hoạch buộc người dân phải bước ra khỏi nhà, khỏi văn phòng và khỏi chiếc xe hơi nhiều hơn. Với chiến lược này, người dân ít dùng năng lượng hóa thạch, gắn kết với cộng đồng hơn, có sức khỏe tốt hơn, thu hút được nhiều khách du lịch hơn. Một quy hoạch lý tưởng là dựa trên các giác quan của con người và tạo những trải nghiệm tối đa cho người dân, nơi người dân có thể đi bộ chậm rãi và hưởng thụ cảm giác mới lạ từ môi trường sống. Vậy cần lấy người dân là trọng tâm của tư tưởng thiết kế và phát triển đô thị thay vì tập trung quy hoạch theo kiểu vì nhu cầu của “xe cơ giới” (làm sao cho đô thị chứa được càng nhiều xe càng tốt, có nhiều chỗ đỗ xe, chứa được nhiều người…) [14].

Như vậy một mục tiêu rõ ràng, một chính sách đúng đắn là những gì chúng ta cần cho phát triển không gian đi bộ, đặc biệt là “Phố đi bộ ven sông” đang là xu hướng phát triển mạnh của các đô thị với một mục tiêu lớn là mang văn hóa đi bộ đến gần hơn với nếp sống sinh hoạt hằng ngày của người dân tại các đô thị Việt Nam.


Khu phố đi bộ Cheonggyecheon – Seoul, Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:
[1] K. Thảo, “Không gian đi bộ Hà Nội: Để thực sự là không gian văn hóa đúng nghĩa,” Tạp chí điện tử Văn nghệ Công an, 2016.
[2] D. A., “Phố đi bộ – Đặc sản của Sài Gòn,” Báo điện tử Trí thức trẻ, 2017.
[3] K. Phương, “Bí quyết của kiến trúc “Thành phố nổi” Venice,” Báo điện tử của Bộ Xây dựng, 2016.
[4] D. Hồng Hiến, “Đi bộ ven sông San Antonio,” Tạp chí Kiến trúc & Đời sống, Các tập 92,93, pp. 97-99, 2014.
[5] Wikimedia Foundation, “Bến Clarke,” 2017. [Trực tuyến]. Available: https://vi.wikipedia.org/wiki/Bến_Clarke. [Đã truy cập 9 11 2017].
[6] P. A.W., H. A. và H. L., “Revitalization of port area as an effort to preserve the identity of the city Comparative studies clarke quay-boat quay singapore, albert dock liverpool and sunda kelapa jakarta,” trong The XII international forum Le Vie Del Mercanti Best Practise in Heritage Conservation Management from the World to Pompeii, seconda university aversa italy, 2014.
[7] L. Jong Youl và C. David Anderson, “The Restored Cheonggyecheon and the Quality of Life in Seoul,” Journal of Urban Technology, tập 20, số 4, pp. 3-22, 2013.
[8] N. Hoàng Ánh, “Những điều ngạc nhiên về nước Hàn Quốc “dại dột”,” Báo điện tử Việt Nam, 2015.
[9] N. Khởi, “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và chuyển tải những giá trị đặc trưng tuyến phố ven sông Sài Gòn sang khu đô thị mới Thủ Khiêm,” Tạp chí khoa học Đại học Văn Lang, tập 7, pp. 33-38, 2018.
[10] T. Trà, “Kenton Node, nơi hội tụ các tiện ích đồng bộ và tiện nghi,” Báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam, 2017.
[11] M. Trí, “Dạo phố đi bộ ngắm dàn nhạc nước 3 triệu đô la ở Kenton Node Nam Sài Gòn,” Báo điện tử Tin nhanh Việt Nam, 2017.
[12] S. Thùy, “Về dự án xây dựng đường đi bộ ven sông Hương (Huế): Vẫn băn khoăn giữa đá và gỗ,” Báo điện tử Báo Mới, 2018.
[13] P. V., “Công viên hoa anh đào triệu USD ở Phú Mỹ Hưng Midtown,” Báo điện tử Tin tức nhanh Việt Nam, 2018.
[14] K. Phương, “Quy hoạch phố đi bộ,” Báo điện tử của Bộ Xây dựng, 2016.

KTS Trần Nguyễn Trâm Anh
TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)