CÂY XANH "VỆ SĨ"
CỦA CÁC THÀNH PHỐ MỸ TRƯỚC MƯA BÃO
Thiên nhiên tạo ra cây xanh với chức năng bảo vệ con người chứ không phải để "phá hoại" môi trường sống. Nếu có xảy ra điều đó thì lỗi trước tiên đến từ chúng ta chứ chẳng thể đổ lỗi cho cây xanh giống như ai đó quy kết tội cho chúng gây thương vong trong cơn giông chiều hôm 13/6. Suy nghĩ như vậy là đang quay lưng lại với thiên nhiên, chối bỏ trách nhiệm của con người.
Bảo vệ thành phố
Đối mặt với cơ sở hạ tầng lão hóa và thời tiết khắc nghiệt, nhiều thành phố ở Mỹ đã thực hiện chính sách kết nối đô thị với thiên nhiên để hạn chế nước dùng, đường bờ biển và chất lượng không khí chịu tác động xấu từ biến đổi khí hậu.
Khi một thành phố kết hợp cơ sở hạ tầng tự nhiên với những bề mặt bê tông trong quy hoạch sẽ giúp chuyển hóa các tài sản “sống” như cây xanh đô thị, đất ngập nước và rừng đầu nguồn để giảm ô nhiễm và tạo ra lớp bảo vệ cho thành phố khỏi cơn cuồng nộ từ bão tố.
Tiêu biểu ở Mỹ có Philadelphia đã sử dụng cơ sở hạ tầng xanh để quản lý những thách thức mà cơn bão mang lại. Dòng chảy từ đường phố, bãi đỗ xe, mái nhà, sân chơi từng khiến hệ thống cống quá tải, thậm chí phá vỡ, gây ngập lụt, ủ bệnh, khiến các con sông không còn an toàn để bơi hay chèo thuyền sau khi mưa đi qua. Nước mưa cũng làm xói mòn bờ sông, quật ngã cây cối, gửi rác thải vào lòng hồ và làm xáo trộn môi trường sống của cá và các loài vi sinh vật dưới nước. Do đó, thành phố đã thiết kế và xây dựng nhiều tuyến phố và sân bóng bằng vật liệu thấm nước, cho phép nước thấm xuống hồ đá ngầm trước khi đi vào lòng đất. Thành phố còn dùng cây xanh vừa hút bớt nước vừa làm thành hàng rào tự nhiên làm chậm dòng chảy, đồng thời còn là yếu tố cải tạo đất, giúp đất tơi xốp và thấm hút nước một cách tốt hơn, qua đó làm giảm tải cho hệ thống cống rãnh.
Làm sạch nguồn nước
New York và San Jose cũng là những thành phố đề ra chính sách cơ sở hạ tầng xanh. Tháng 2/2015, thị trưởng Washington, DC đã thông qua dự án “Clean Rivers Project” (Tạm dịch: Cải tạo dòng sông) nhằm cải tạo hệ thống cống “kết hợp” (tức là cống thoát cả nước mưa lẫn nước thải bị hòa làm một) đã tồn tại từ… thế kỷ 19. Theo đó, các khu vực trồng cây, vườn tược, bể chứa nước, mái nhà sẽ được tận dụng vừa để làm chậm dòng chảy, vừa có tác dụng như tấm màng lọc làm sạch nước mưa trước khi đi vào hệ thống thoát nước và đổ ra sông.
Hạ tầng xanh có thể giúp các thành phố ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu. Không gian xanh không chỉ giúp các thành phố cải thiện chất lượng không khí, mà còn quản lý nước mưa ngay từ ‘thượng nguồn’ thay vì phải đợi chúng tôi (các nhà quản lý hệ thống thoát nước - PV) thu lại và quản lý tại ‘hạ nguồn’, theo Bethany Bezak - Giám đốc Dự án hạ tầng xanh này.
Thước đo... sự giàu có
Một điều thú vị là, cây xanh không chỉ có tác dụng bảo vệ cuộc sống con người, mà nó còn có thể trở thành thước đo quan trọng cho… sự giàu có. Theo Wall Street Journal quan sát ở thành phố New York, có một sự tương phản rõ ràng giữa các con phố xanh mướt biến các tòa biệt thự thành ốc đảo thiên đường với những đại lộ ảm đạm, cằn cỗi, nơi tập hợp của đủ thể loại hội nhóm, nhưng có một điểm chung là “thu nhập không cao”. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí nghiên cứu trực tuyến PLoS ONE còn cho thấy, khi thu nhập hộ gia đình tăng trung bình 10.000 USD/năm thì diện tích tán cây lại tăng thêm 1%. Ở những nơi khác nhau sẽ cho ra tỷ lệ khác, song nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều nhận thấy mối quan hệ cùng chiều giữa thu nhập và diện tích cây xanh.
Ông Ken Atkison, Trưởng nhóm công tác du lịch của VBF, từng có một câu nhận định về việc nhiều người cứ lo mất vài đồng thuế trước mắt như thế này: “Lo mất 11 triệu USD thu phí một năm là rất thiển cận.” Chính các nhà nghiên cứu đã tính ra rằng ở nước Mỹ, cứ mỗi USD chi ra cho việc trồng cây, họ tiết kiệm được ít nhất 5,6 USD nhờ tiết kiệm năng lượng, chi phí xử lý nước và giá trị tài sản tăng lên thông qua ngoại ứng tích cực.
Trong khi người Mỹ đang tích cực xanh hóa thành phố, thì ở Việt Nam, rất nhiều cây bị chặt hạ với những lý do loanh quanh, thiếu thuyết phục như giảm tắc đường hay làm đẹp mỹ quan. Thế nhưng, sự thật lại đang lộ diện khi vắng bóng cây xanh, thành phố "phơi mặt" với đường đầy ổ gà, quy hoạch mà như không, cùng với đó là "sự trang điểm" quá loè loẹt của các tấm biển quảng cáo đang thiếu mất... màu xanh. Hài hước hơn, chỉ một trận giông tố kéo dài có 30 phút, lộ ra chuyện người ta chỉ biết chặt mà không chăm sóc cây khiến chúng ốm yếu đổ kềnh ra đó thì các thị dân đã quay ra ủng hộ việc chặt cây hàng loạt. Điều này chẳng khác gì việc đổ tội cho bệnh nhân tự dưng nhiễm virus rồi lây ra cộng đồng chứ không phải lỗi của công tác phòng dịch kém. Cây không mấy khi hại người, chỉ là con người tự hại mình rồi sau khi " rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc" vớ được cái cây không biết nói để đổ tội là xong.
Lục Kiếm
Nguồn: songmoi.vn