CÔNG VIÊN DƯỚI LÒNG SA MẠC

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được mệnh danh là thiên đường của những công trình sang trọng và lộng lẫy trong nhiều thập kỷ qua bao gồm quần đảo Cây Cọ hay tòa nhà chọc trời Burj Khalifa tại Dubai. Và bây giờ, bảng danh sách này sẽ được bổ sung thêm Al Fayah: một công viên tại Abu Dhabi diện tích 125.000m2 dưới lòng sa mạc. Đây như một tòa nhà khổng lồ được xây dựng dựa trên các kết cấu đặt biệt của sa mạc và lớp cát bên trên sẽ là mái của tòa nhà nói trên.

Công viên độc đáo và tuyệt đẹp nói trên được thiết kế bởi Thomas Heatherwick, một kiến trúc sư giàu trí tưởng tượng và sáng kiến đã nổi tiếng với sự khéo léo trong việc lồng ghép các yếu tố thiên nhiên vào trong các công trình trước đây. Với ý tưởng công viên dưới lòng sa mạc lần này, Heatherwick sẽ tận dụng các đặc điểm có sẵn của sa mạc khô nóng với nhiều vết nứt gãy và biến nó thành lớp mái vòm che nắng cho ốc đảo ở bên dưới.

Theo dự kiến, dự án công viên Al Fayah sẽ được khánh thành vào năm 2017. Đây sẽ là một ngôi nhà với hàng trăm gian phòng được ngăn cách nhau bởi các vết đứt gãy tự nhiên của sa mạc. Đồng thời, đây cũng chính là nơi thông gió cũng như lấy ánh sáng cho cây xanh bên dưới. Thêm vào đó, công viên dưới lòng sa mạc này cũng có tất cả các dịch vụ như những công viên bình thường khác như quán cà phê, những khu vườn, thư viện công cộng, không gian vui chơi giải trí, hồ bơi, các dòng chảy và cả phòng xông hơi khô.

Heatherwick đã chia sẻ về dự án của mình rằng: “Lớp cát bên trên sẽ chính là mái che tự nhiên cho các công trình bên dưới khỏi cái nóng của sa mạc. Song, các vết đứt gãy sẽ là nơi lấy ánh sáng để thực vật trồng bên dưới có thể phát triển xanh tốt”.

Dù là một quốc gia giàu có với khả năng chi tiền dường như là vô tận, nhưng vấn đề cung cấp nước cho các công trình vẫn là một thách thức đối với UAE.

Công viên dưới lòng sa mạc

Chính vì thế, việc xây dựng một công viên trên mặt đất là không khả thi do cần phải có một nguồn cung cấp nước vô cùng lớn để có thể tồn tại trong điều kiện khắt nghiệt của sa mạc. Đây là thách thức lớn nhất đối với Heatherwick trong quá trình thiết kế nhằm tạo nên một công viên có thể tồn tại bền vững trong thời gian dài.


Do đó, ông từ bỏ thiết kế các kiểu công viên như truyền thống vốn cần quá nhiều nước để nuôi sống toàn bộ cây xanh. Thay vào đó, Heatherwick lựa chọn một giải pháp tự nhiên nhằm hạn chế sự bay hơi của nước bằng cách làm giảm cường độ của ánh nắng Mặt Trời. Và cuối cùng, ý tưởng thiết kế công viên ngầm trong lòng sa mạc đã ra đời.


Thiết kế của công viên không chỉ đẹp mà còn độc đáo trong việc kết hợp các yếu tố có sẵn của tự nhiên và các công trình nhân tạo nhằm giúp công trình có thể tự duy trì mà không cần dùng nhiều nguồn lực nhân tạo. “Thay vì phủ nhận sự tồn tại của sa mạc và xây dựng một cách gượng ép. Chúng tôi chấp nhận nó như một phần của công trình và xây dựng một công viên bên trong nó. Điều này có thể bảo vệ sự toàn vẹn của tự nhiên, đồng thời giúp công trình có thể tự duy trì và tồn tại bền vững hơn”.

 

Thiết kế của công viên không chỉ đẹp mà còn độc đáo

Công trình sinh thái này bảo vệ sự toàn vẹn của tự nhiên, tồn tại bền vững

Nguồn: chuyenla.com.vn