RESORT VỚI KHÔNG GIAN KHÁC BIỆT

Trong thiết kế khu nghỉ dưỡng thì phần thiết kế và xây dựng cảnh quan được cho là một trong những phần quan trọng nhất. Cảnh quan là một yếu tố, cùng với phong cách kiến trúc và nội thất, kiến tạo nên không gian khác biệt cho một resort.

A. Lược sử về resort
Resort, hay còn gọi là khu nghỉ dưỡng, thật ra không phải là một sản phẩm bất động sản của thời hiện đại mà đã có lịch sử phát triển lâu đời. Những mô hình của khu nghỉ dưỡng đầu tiên trên thế giới có thể tìm thấy dưới thời đế chế La Mã, 2.000 năm trước.
Vào thời ấy, khu nghỉ dưỡng tồn tại ở hình thức nhà tắm công cộng. Ban đầu, các nhà tắm công cộng này chỉ phục vụ cho mục đích tắm và giao tiếp xã hội, từ từ tích hợp thêm thư viện công cộng, luyện tập thể thao, nhà hàng và thậm chí có cả bảo tàng và nhà hát.
Đến thế kỷ XIV-XV, các khu nghỉ dưỡng tại châu Âu bắt đầu phổ biến, nhưng cũng chỉ phục vụ cho tầng lớp nhiều tiền và dư thời gian. Thời kỳ ấy, việc di chuyển là cả một vấn đề lớn về thời gian và tiền bạc.
Cho nên mỗi lần đi nghỉ dưỡng, khách đều lưu trú lại rất lâu để cho đáng công sức và tiền bạc đã bỏ ra. Những thế kỷ sau đó, các khu nghỉ dưỡng ngày càng phát triển cùng với sự đi lên của các nền kinh tế.
Mỗi hình thức khu nghỉ dưỡng đều cố gắng tạo dựng nét khác biệt để thu hút các tầng lớp khách hàng khác nhau trong suốt 365 ngày. Các khu nghỉ dưỡng gắn với hình thức spa, một kiểu nghỉ dưỡng sức khỏe với suối nước thiên nhiên, lần đầu xuất hiện tại Bỉ vào thế kỷ XIV.
Trong thế giới đương đại, các khu nghỉ dưỡng tích hợp thêm nhiều chức năng giải trí khác như công viên chủ đề và cả sòng bài.

 

Resort với không gian khác biệt

B. Những yêu cầu cơ bản khi thiết kế resort
Cảnh quan là một yếu tố, cùng với phong cách kiến trúc và nội thất, kiến tạo nên không gian khác biệt cho toàn dự án. Khách hàng tìm đến và ghi nhớ về một khu nghỉ dưỡng chính là nhờ cái "không gian khác biệt" đó. Đội ngũ thiết kế có thể bắt đầu chuỗi sáng tạo cảnh quan dựa trên bảy chủ đề cảnh quan kinh điển có từ nhiều thế kỷ qua.
Vườn kiểu "ốc đảo": Đúng như tên gọi của nó, chủ đề này tạo dựng nên một không gian xanh theo kiểu "ốc đảo" trong sa mạc với nhân tố chính là mặt nước. Với triết lý "không có nước, không có sự sống", nghĩa là không có cây xanh, không có hoa lá, không có trái chín, không có địa đàng. Mọi thứ đều sinh sôi tự nhiên quanh yếu tố mặt nước.
Vườn "Á Đông": Bao gồm vườn kiểu Nhật, Trung Hoa và Việt Nam. Cảnh quan theo kiểu Á Đông thường được ví như là nơi chốn để nương náu, gửi gắm tâm hồn và thiền định.
Chủ đề này giàu tính chất liệu bề mặt, sử dụng đá, cát phối hợp cây cảnh kiểu bonsai trên một nền đất "màu sắc" tạo ra cảnh quan dựa trên sự cân bằng và hài hòa giữa các thành phần khác nhau trong không gian này, kể cả sự hài hòa với các công trình kiến trúc.
Vườn kiểu "Latin/Ả rập": Đặc điểm của chủ đề này là không gian cảnh quan mang tính khép kín quanh đài nước hay một sân trong trung tâm. Màu sắc của chủ đề này thường nhẹ nhàng, kết hợp khéo léo với các chất liệu bề mặt như đá tự nhiên, các mảng gạch trang trí cùng với các mảng cây treo xen cài.
Vườn kiểu "Ý Phục hưng": Sử dụng đa dạng các yếu tố cảnh quan như đài phun nước, kênh rạch, hoa và các tượng trang trí để biến khu vườn thành nơi thư giãn và giải trí.
Chủ đề này cũng kết hợp hài hòa với các yếu tố kiến trúc khác như cầu thang, ban công, cổng vòm để tô điểm thêm cho không gian.