Trên thế giới rất nhiều công ty cảnh quan đang khai thác rất tốt “tính bản địa” của quốc gia mình. Trong đó có thể kể đến Trung Quốc – một quốc gia có tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng trong những năm gần đây, họ rất ý thức trong việc xây dựng nét riêng đậm “tính bản địa” cho Kiến trúc cảnh quan. Hiến chương Bắc Kinh (1999) đã nhấn mạnh: “Việc địa phương hóa kiến trúc hiện đại và hiện đại hóa kiến trúc địa phương là cách tiếp cận chung, cần được mọi người chia sẻ trong tiến trình hướng tới sự thăng hoa của kiến trúc”. Vì thế, đô thị Trung Quốc có tính nhận diện rất cao, thể hiện được bản sắc dân tộc thông qua tác phẩm kiến trúc cảnh quan của mình.
Công viên Yanweizhou, Trung Quốc
Dự án công viên Yanweizhou ở TP Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang do Turenscape thiết kế là một ví dụ điển hình. Trước khi công viên được triển khai, nơi đây là vùng ngập nước được tạo bởi ba con sông: Wuyi, Yiwu và Kim Hoa. Để bảo tồn môi trường sống ven sông trong khi vẫn cung cấp tiện nghi cho cư dân của trung tâm đô thị dày đặc, Turenscape đã đưa ra ý tưởng thiết kế một cây cầu đi bộ phía trên công viên ngập nước. Cây cầu có nhiệm vụ kết nối công viên Yanweizhou với thành phố, đồng thời nối các công viên dọc theo bờ sông ở các quận phía Nam và phía Bắc của thành phố với nhau. Thiết kế cây cầu được lấy cảm hứng từ truyền thống múa rồng của người dân TP Kim Hoa trong các lễ hội mùa xuân. Hình ảnh con rồng uốn lượn đầy màu sắc lượn qua các cánh đồng vàdọc theo những con phố nhỏ là hình ảnh rất đỗi quen thuộc đối với người dân bản địa. Nó không chỉ mang tính kỷ niệm mà còn là sợi dây gắn kết, củng cố bản sắc văn hóa và xã hội độc đáo của khu vực này. Đây là một ý tưởng mang đậm “tính bản địa” được các KTS của Turenscape thể hiện táo bạo và đầy màu sắc với tông màu đỏ và vàng tươi là những gam màu thể hiện sự may mắn trong truyền thống Trung Hoa. Cầu Bayong đã kết nối Thành phố và Thiên nhiên, Tương lai và Quá khứ. Các phương tiện truyền thông địa phương đã phải thốt lên: “Cả thành phố phát cuồng vì một cây cầu duy nhất!”. Và ngày nay, công viên Yanweizhou đã tạo nên một bản sắc mới cho TP Kim Hoa.
Công viên Yanweizhou (Nguồn turenscape.com)
Khu bảo tồn Barangaroo, Sydney
Dự án Khu bảo tồn Barangaroo tại cảng Sydney (Úc) được thiết kế bởi một liên danh gồm Hill Thalis Architecture + Urban Projects, Paul Berkemeier Architect và Jane Irwin Landscape Architecture, là một điển hình trong việc khai thác “tính bản địa” ở quốc gia này. Trong quá trình san lấp mặt bằng toàn bộ các khối đá sa thạch được khai thác tại chỗ và được sử dụng làm hệ kè dọc bờ biển kiến tạo không gian cảnh quan đặc biệt ấn tượng. Thảm thực vật ở đây được sử dụng hoàn toàn là các cây bản địa thích nghi tốt với khí hậu và phù hợp với chất đất sa thạch. Đất ở khu vực bị ô nhiễm do từng là bến cảng công nghiệp cũ, được dải thêm một lớp đất đặc biệt là “đất fax” sau đó trồng phủ lên một thảm thực vật gồm những cây bản địa có sức sống mãnh liệt và khả năng cải tạo đất tốt. Khu bảo tồn Barangaroo ngày nay trở thành điểm đến thú vị, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống sôi động, hấp dẫn dành cho cư dân và du khách ghé thăm Sydney.
Khu bảo tồn Barangaroo (Nguồn: architectureau.com)
The Park, Las Vegas
“The Park” là một dự án được thiết kế nhằm tôn vinh sa mạc Mojave, thể hiện hình ảnh ốc đảo giữa sa mạc của Las Vegas (Mỹ). Nơi đây từng là vùng đất khô cằn vô cùng khó khăn, nơi hứng chịu nắng, nóng, bão bụi và khan hiếm nước. Melk thiết kế “The Park” lấy cảm hứng từ những nét đặc trưng của vùng đất Las Vegas cùng hệ thực vật bản địa tạo nên không gian cảnh quan sa mạc hiện đại và bền vững. “The Park” trở thành một biểu tượng của Las Vegas, trở thành công viên được nhiều người đến thăm nhất trên thế giới, đón hơn 40 triệu du khách mỗi năm.
The Park – Nhiếp ảnh gia: Hanns Joosten
Còn tiếp…
Một số dự án cảnh quan tiêu biểu cho “Tính bản địa” tại Việt Nam
KTS.Lê Tuấn Long – Tạp chí kiến trúc số 315
ĐỌC THÊM:
• Chìa khóa nào cho sự phát triển ngành kiến trúc cảnh quan ở Việt Nam?
• Tại sao “Tính bản địa” lại là chìa khóa phát triển Kiến trúc cảnh quan?