Nhìn vào các đô thị ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy một số khu đô thị mới mang dáng dấp hay thậm chí là bản sao của các đô thị phương Tây, hoặc các khu vườn na ná như ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Tất cả những sự “mượn danh”, bắt chước đó thể hiện sự lệ thuộc vào các “hình mẫu”, tạo nên tâm thế “thuộc địa” trong lĩnh vực văn hóa do việc “ăn xổi”, chạy theo thị hiếu mù quáng tạo nên. Sẽ rất khó để nhận ra sự riêng biệt, nét đặc trưng mang tính bản sắc trong kiến trúc đô thị Việt Nam. Đây là hệ lụy của việc phát triển đô thị thiếu định vị, chưa tạo được “bản sắc trong kiến trúc” một cách rõ nét.

Kiến trúc cảnh quan, theo Liên đoàn kiến trúc cảnh quan quốc tế IFLA được định nghĩa “Kiến trúc cảnh quan kết hợp giữa môi trường và thiết kế, nghệ thuật và khoa học. Nó bao gồm tất cả mọi thứ bên ngoài công trình, ở thành thị và nông thôn, là nơi gặp gỡ giữa con người và tự nhiên. Công việc của các KTS cảnh quan vô cùng đa dạng. Từ quy hoạch tổng thể các địa điểm có quy mô lớn như sân vận động Olympic đến lập kế hoạch và quản lý cảnh quan quan cho công viên quốc gia, các khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp nổi bật đến thiết kế các khu quảng trường công cộng và công viên mà chúng ta sử dụng, kiến trúc cảnh quan nuôi dưỡng cộng đồng và làm cho môi trường sống trở nên nhân văn và đáng sống.” Từ định nghĩa trên chúng ta có thể thấy, kiến trúc cảnh quan là tổng hòa giữa tự nhiên, con người và môi trường. Nó mang dấu ấn của xã hội, là đặc trưng của môi trường và nơi chốn ở từng địa điểm. Vì vậy, đối với kiến trúc cảnh quan mà nói “tính bản địa” đóng vai trò cốt lõi.

Kiến trúc cảnh quan là một ngành trẻ tại Việt Nam – Phải chăng với việc này chúng ta sẽ có cơ hội sửa sai, có cơ hội kiến tạo nên bản sắc cho đô thị hiện đại?! – Đã có nhiều diễn đàn, hội thảo do Hội KTS Việt Nam, các Sở – Ban, ngành tổ chức, các học giả thường xuyên trao đổi về “bản sắc trong kiến trúc” nói chung, nhưng chủ yếu tập trung vào các khái niệm, vai trò và tầm quan trọng mà ít đề cập đến giải pháp, đến nguồn cảm hứng sáng tác… Trong khi đó, các KTS trẻ còn ít trải nghiệm nghề nghiệp, rất cần những định hướng, những gợi ý thực tế để giúp họ phát triển trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

Dưới góc nhìn của một KTS, một đơn vị thiết kế Kiến trúc cảnh quan đã hoạt động lâu năm tại Việt Nam, từ định nghĩa của Liên đoàn KTS cảnh quan quốc tế, tác giả cho rằng “tính bản địa” sẽ là một trong những chìa khóa trong thiết kế cảnh quan, giúp các KTS có thể xây dựng nét riêng, đặc trưng, độc đáo của mỗi dự án.

Còn tiếp…

Tại sao lại là “tính bản địa” mà không phải là một yếu tố nào khác?

KTS.Lê Tuấn Long – Tạp chí kiến trúc số 315

ĐỌC THÊM:
Khai thác “Tính bản địa” những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới
• Một số dự án thiết kế cảnh quan tiêu biểu cho “tính bản địa” tại Việt Nam