KINH NGHIỆM XÂY DỰNG
THỦ ĐÔ XANH NHẤT CHÂU ÂU
STOCKHOLM
Năm 2010, Stockholm - Thủ đô của Thụy Điển đã giành được danh hiệu "Thủ đô xanh nhất Châu Âu" do Ủy ban châu Âu phong tặng. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng biết là vào những năm 1950 và 1960, khi ấy Thụy Điển cũng đầy ô nhiễm như các quốc gia công nghiệp khác. Khi đó, hầu hết các khu dân cư được sưởi ấm bằng nhiên liệu than, sau đó đến xăng dầu và kết quả là toàn bộ Stockholm tràn ngập trong màu xám xịt, đặc biệt trong mùa đông.
Cho đến khi trải qua một quá trình đô thị hóa, Stockholm bắt đầu xây những khu đô thị mới. Những khu đô thị mới được mọc lên dựa trên lý thuyết là tôn trọng thiên nhiên, mang lại cuộc sống chất lượng cao theo đúng nghĩa cho người dân…Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về kinh nghiệm và lý do vì sao Stockholm lại đạt được danh hiệu đó qua những yếu tố sau:
1. Tôn trọng môi trường sinh thái, yêu thiên nhiên
Đã có ai đó cho rằng 1/3 Stockholm là nước và 1/3 nữa chính là công viên cây xanh. Mỗi khu dân cư ở Stockholm đều có những khoảng xanh lớn để cung cấp không khí trong lành. Với mong muốn tận hưởng tối đa cảnh quan với màu xanh ngát của cây cỏ thiên nhiên, các ngôi nhà ở đây thường được thiết kế theo không gian mở theo phong cách hiện đại. Vẻ ấm áp, thân thiện toát ra từ chất liệu gỗ ở những ngôi nhà cổ, cách bài trí giản dị tạo ấn tượng đẹp với bất cứ ai một lần đặt chân đến.
Thành phố Stockholm là sự kết nối của những thảm thực vật, những công viên xanh yên ả chen lẫn sự nhộn nhịp của cuộc sống đô thị, sự giao thoa giữa nét cổ điển, truyền thống và lối kiến trúc xanh hiện đại xa hoa.
Trẻ em Thụy Điển ngay từ khi còn nhỏ đã được tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên môi trường thông qua các hoạt động tại nhà trường, được giáo dục cách sống thân thiện và bảo vệ môi trường xung quanh. Năm 1909, Thụy Điển trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thành lập vườn quốc gia. Sau đó rất nhiều khu vực bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa khác được thành lập khắp đất nước. Khoảng 20% người dân Thụy Điển sở hữu ngôi nhà mùa hè được xây dựng giữa rừng, gần hồ để nghỉ dưỡng tận hưởng thời tiết ngày hè xứ Scandinavia.
Ở Thụy Điển, người dân nơi đây có tình yêu sâu đậm với thiên nhiên. Có lẽ bởi niềm tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước mà người dân bất kể tuổi tác, nghề nghiệp và tầng lớp xã hội đều có ý thức sâu sắc trong việc chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Nơi đâu cũng có những khu bảo tồn thiên nhiên. Người dân có thể tự do đi lại, vui chơi trong thiên nhiên, dù là đồng cỏ, hồ ao, rừng cây hay trang trại thuộc sở hữu của bất kỳ ai, miễn là không làm gì phá hoại đến tài sản người khác và môi trường tự nhiên. Các gia đình Thụy Điển thường cùng đi dạo, đi xe đạp trong công viên, đi câu cá ở miền quê, cắm trại trong rừng và không bao giờ làm hại đến cây cỏ thiên nhiên nơi đây.
Bất cứ ở đâu có nhà, có người là ở đó có hoa. Hoa có mặt ở khắp nơi. Hoa mọc trên mặt đất. Hoa trồng trong chậu. Hoa đủ màu, đủ sắc. Hệt như trong những câu chuyện cổ nếu nhìn từ trong cửa sổ nhìn ra, thấy hoa ngoài vườn, ngoài sân, bên hàng rào... Từ ngoài đường nhìn vào, hoa bậu đáng yêu bên những khung cửa sổ. Có lẽ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho người ta cảm nhận về một tình yêu thiên nhiên của người dân Thụy Điển.
2. Sử dụng năng lượng sạch
Mục tiêu mà chính quyền Stockholm đề ra đến năm 2050 là “toàn bộ năng lượng sử dụng sẽ là năng lượng tái tạo”. Hiện tại, 80% hộ gia đình ở đây đã được kết nối với hệ thống sưởi chung của khu phố và 83% năng lượng dùng cho việc sưởi ấm là năng lượng sạch.
Theo chính quyền Stockholm, cho biết giai đoạn kế tiếp mà thành phố thực hiện sẽ là giảm lượng khí thải xuống còn 3 tấn vào năm 2050, tuy hiện nay con số đó là 3,4 tấn đã ở mức đạt theo chuẩn châu Âu và vượt xa so với ở Hoa Kỳ.
3. Hệ thống giao thông thông minh
Stockholm có hệ thống giao thông vận tải thông minh. Chính quyền thành phố đã chi 500 triệu USD để xây dựng hệ thống thu phí giờ cao điểm nhằm hạn chế ách tắc. Việc thu thuế cầu đường và giao thông trong thành phố đã giúp giảm 20% lưu lượng xe cá nhân trong vòng 4 năm, giảm 30-50% thời gian đi lại và giảm 10-14% lượng khí thải carbon. Lượng carbon thải ra ở Stockholm hiện thấp nhất châu Âu.
77% lượng xe ra vào Thủ đô là phương tiện giao thông công cộng. Gần đây, hệ thống giao thông dành cho người đi xe đạp còn tiện lợi hơn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho vấn đề di chuyển nên số lượng người dân di chuyển bằng xe đạp đã tăng lên gấp đôi trong vòng 10 năm. 50% người dân đã có thói quen sử dụng xe điện ngầm và có đến 50% xe buýt chạy bằng năng lượng tái tạo.
Tóm lại, thủ đô Stockholm xanh như hiện nay là thành tựu của sự kết hợp giữa các ngành công nghiệp và sự lãnh đạo triệt để của chính quyền thành phố và nhất là ý chí tự giác của người dân.
Khánh Phương