Ở Việt Nam, “tính bản địa” đã và được một số công ty Kiến trúc cảnh quan khai thác tốt trong các thiết kế cảnh quan.
Là một đơn vị tiên phong trong việc đưa “tính bản địa” làm nguồn cảm hứng sáng tác, Eden Landscape đã kiến tạo nhiều dự án, đem đến vẻ đẹp độc đáo riêng cho cảnh quan địa phương. Tiêu biểu có thể kể đến hai dự án là Xanh Villas và Goldmark City. Dự án nghỉ dưỡng sinh thái Xanh Villas tại Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội.
Xanh Villas, Hà Nội
Xanh Villas nằm trong một thung lũng nhỏ tương đối bằng phẳng, hai bên là các triền núi thoải, giữa là dòng suối Ngang chảy quanh năm. Eden Landscape lấy ý tưởng “Dòng chảy ký ức” với mong muốn sáng tạo lại các vùng ký ức trong mỗi con người qua các chủ đề ven hai bờ suối. Dòng suối Ngang được khơi dòng và thiết kế hệ đập liên hoàn kiểu bậc thang tích nước vào mùa khô và giảm lũ vào mùa mưa bằng chính những đá tảng, đá cuội khai thác tại chỗ trong quá trình xây dựng dự án và khu vực lân cận. Vật liệu ốp lát, trang trí cũng được sử dụng bằng đá cuội, đá chẻ của địa phương giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, khai thác và hạn chế tác động xấu tới môi trường. Cây xanh cảnh quan được trồng là các cây bản địa như cọ, thông, lát hoa, sau sau, đủng đỉnh, trám, mai, vả…
Xanh Villas (Nguồn: edenlandscape.vn)
Goldmark City, Hà Nội
Dự án Goldmark City là một khu đô thị hiện đại nhưng thiết kế cảnh quan được lấy cảm hứng từ những hình ảnh rất đỗi quen thuộc và thân thương với con người Việt Nam như: Hình ảnh cây đa trong thiết kế cổng dự án hay hình ảnh lá khoai nước trong thiết kế các quảng trường. Trong dự án này, Eden Landscape đã tiên phong đưa vật liệu Gốm cổ Bát Tràng vào ứng dụng trong Kiến trúc cảnh quan đô thị và mang lại hiệu quả đặc biệt ấn tượng, mở ra một hướng đi mới cho làng gốm truyền thống; đồng thời đưa Gốm cổ truyền của Việt Nam tới gần hơn với người dân, đặc biệt là giới trẻ thông qua tác phẩm cảnh quan mang tính cộng đồng cao.
Goldmark City (Nguồn: edenlandscape.vn)
Quảng trường Nghinh Phong, Phú Yên
Quảng trường Nghinh Phong Phú Yên nằm ở ngã tư Nguyễn Hữu Thọ và Độc Lập, TP Tuy Hòa cũng là một ví dụ tiêu biểu cho cảm hứng xuất phát thiết kế xuất phát từ “tính bản địa”. Thiết kế lấy ý tưởng từ Gành Đá Đĩa, hình ảnh đặc trưng và nổi tiếng của vùng đất Phú Yên. Kết hợp thêm nét văn hóa truyền thống Việt Nam “huyền tích trăm trứng trăm con” Lạc Long Quân và Âu Cơ tạo điểm nhấn cho quảng trường. Tòa tháp đôi bên cao, bên thấp tượng trưng Lạc Long Quân và Âu Cơ. Dưới chân mỗi tòa tháp là 50 khối đá xếp chồng lên nhau, tượng trưng cho “trăm trứng trăm con” phải tách nhau theo cha mẹ lên rừng xuống biển. Thiết kế mang tới cho người dân và du khách cảm nhận về vẻ đẹp Việt Nam vừa hiện đại, hoành tráng nhưng cũng rất thân quen.
Quảng trường Nghinh Phong (Nguồn vnexpress.net)
Biểu tượng vòng xoay trung tâm Dự án Waterpoint, Long An
Dự án được bao bọc bởi dòng sông Vàm Cỏ Đông hiền hòa và thơ mộng. Với hình ảnh chiếc thuyền – hình ảnh đẹp mang dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Vàm Cỏ Đông, thiết kế đã khai thác tốt “tính bản địa” tạo biểu tượng đặc trưng cho dự án và góp phần nâng cao diện mạo đô thị Long An.
Waterpoint (Nguồn: lss.vn)
Thay lời kết
Trên thực tế, kiến trúc cảnh quan được chi phối bởi nền kinh tế thị trường. Mỗi một tác phẩm tạo ra cần được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, việc chạy theo thị hiếu mang tính đại trà, số đông nhưng chưa tính toán đến dài hạn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả thị trường bất động sản lẫn nền Kiến trúc cảnh quan.
Các KTS cảnh quan cần phải mạnh mẽ vượt qua những khó khăn và thách thức của thị trường, tiếp cận những cơ hội phát triển ngành Kiến trúc cảnh quan, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng ngành Kiến trúc cảnh quan Việt Nam có bản sắc dựa trên những giá trị bản địa của chính đất nước mình. Các công ty đã và đang khai thác tốt “tính bản địa” trong thiết kế cảnh quan chính là một trong những động lực mạnh mẽ kích lệ cho phong trào kiến tạo nên nét riêng cho Kiến trúc cảnh quan Việt Nam.
Vai trò định hướng của các hiệp hội cũng vô cùng quan trọng. Cần có những hành động cụ thể như đưa “tính bản địa” lên những chương trình về quảng bá, truyền thông của các hiệp hội ngành nghề nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng kiến trúc sư đặc biệt là những kiến trúc sư trẻ; tham mưu, góp ý cho các cơ quan Nhà nước nhằm tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề Kiến trúc cảnh quan.
Liên đoàn Kiến trúc cảnh quan quốc tế IFLA đã khẳng định: “Kiến trúc cảnh quan không phải là ngành nghề của tương lai nhưng là ngành nghề kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn”. Với việc chú trọng “tính bản địa” trong thiết kế Kiến trúc cảnh quan, rất cần sự đồng hành của các nhà quản lý, các hiệp hội nghề nghiệp và sự đồng lòng của các công ty thiết kế, các KTS – Hướng tới tạo dựng nên “bản sắc” riêng của Kiến trúc cảnh quan Việt Nam.
KTS.Lê Tuấn Long – Tạp chí kiến trúc số 315
ĐỌC THÊM:
• Chìa khóa nào cho sự phát triển ngành kiến trúc cảnh quan ở Việt Nam?
• Tại sao “Tính bản địa” lại là chìa khóa phát triển Kiến trúc cảnh quan?
• Khai thác “Tính bản địa” những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới