Đối với Tổng giám đốc Công ty CP Kiến trúc Phong cảnh Việt Nam Lê Tuấn Long, ngành thiết kế kiến trúc ở Việt Nam rất khó mang lại giàu có về tiền bạc nhưng chứa đựng nhiều điều thú vị.
Gần 20 năm trước, kiến trúc sư Lê Tuấn Long đã từ bỏ nghề lập quy hoạch để chuyển hướng sang thiết kế cảnh quan, một lĩnh vực chưa ai “biết mặt, đặt tên”. Bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, ông Long đã trở thành kiến trúc sư trong nước có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực thiết kế cảnh quan hiện đại tại Việt Nam.
Chấp nhận “lùi một bước”…
Được biết, ông là một kiến trúc sư thành công từ rất sớm. Ngay sau khi tốt nghiệp khoa Quy hoạch – Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2000, với lối tư duy sắc bén và nỗ lực vượt bậc của mình, ông đã từng được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch “đặc cách bổ nhiệm” làm chủ nhiệm các dự án quy hoạch tổng thể du lịch tỉnh tại Nam định, Hà Giang và chủ trì thiết kế rất nhiều các dự án khác tại các địa phương trong cả nước.
Chỉ trong 5 năm, ông đã tham gia thiết kế nhiều dự án quy hoạch lớn từ Bắc chí Nam và nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc uy tín. Vậy lý do gì khiến ông từ bỏ để bắt đầu với một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ như thiết kế cảnh quan?
KTS Lê Tuấn Long: Phải nói rằng tôi là người khá may mắn. Ngay từ khi mới ra trường, tôi đã có cơ hội thiết kế những dự án quy hoạch về du lịch, văn hoá lớn, tầm cỡ quốc gia như quần thể khu di tích lịch sử Kim Liên gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và quần thể khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Ở thời điểm đó, những dự án quy hoạch tổng thể về du lịch của cả một tỉnh đã gây tiếng vang rất lớn. Qua đó, tôi cũng đã phần nào chứng minh được năng lực của mình. Những dự án tôi tham gia đi đến đâu cũng được ủng hộ, phê duyệt nhanh chóng. Nhiều cuộc thi kiến trúc lớn cỡ như thiết kế khu trung tâm hành chính thành phố Sơn La năm 2004 do Hội Kiến trúc sư và UBND thị xã Sơn La tổ chức, mà lần đầu tiên tôi tham gia với tư cách của một công ty kiến trúc, cũng đạt giải cao nhất cuộc thi.
Tuy nhiên, sau 5 năm làm thiết kế, tôi mơ hồ nhận ra rằng hệ thống thiết kế này, các quy trình và tiêu chuẩn… có gì đó chưa ổn. Chính lúc sự nghiệp thiết kế đang bay cao, tôi lại cảm thấy dường như con đường đi của mình đang sai. Tôi không thấy thỏa mãn với những điều mình làm, mọi thứ đều quá dễ dàng và nhanh chóng khiến người ta nghĩ rằng “mình giỏi quá”, nhưng trong thâm tâm tôi không cho là như vậy.
Sun Premier Village Primavera, một trong những dự án do EDEN Landscape thiết kế cảnh quan
Với một cậu kiến trúc sư vừa mới ra trường vài năm, thành công đó không có nghĩa lý gì cả. Ngay từ đầu, tôi luôn cho rằng nghề kiến trúc sư muốn giỏi phải có rất nhiều trải nghiệm và kiến thức đa ngành, phải có định hướng nghề nghiệp với tính triết lý cao. Nhiều kiến trúc sư phải ngoài 50 tuổi mới “chín” trong nghề, trong khi đó, thành công đến quá nhanh khiến tôi tự cảm thấy rằng, “có điều gì đó không ổn”.
Từ một chàng trai đang hăm hở cống hiến cho sự nghiệp quy hoạch, tôi chợt nhận ra tất cả những thứ mình làm đang không mang lại giá trị thực. Trong khi, tôi là người luôn đề cao những đóng góp thực chất cho xã hội.
Trăn trở như vậy, nhưng có lẽ đã có một tác động cực mạnh nào khác khiến ông thực sự thay đổi?
KTS Lê Tuấn Long: Mọi suy nghĩ trong tôi cứ lớn dần lên, cho đến khi tôi có cơ duyên trò chuyện với nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành, một cây đa cây đề, là thầy của những người thầy trong làng điêu khắc Việt Nam, mọi thứ mới thực sự bùng nổ.
Ông Thành đã nói một câu làm thay đổi toàn bộ suy nghĩ của tôi khi đó: “Cháu vừa ra trường đã có chữ Sư, còn bác làm cả đời mới tròn chữ Sỹ”. Chữ “Sư” theo lý giải của ông Thành là một “trọng trách”. Những người có chữ “Sư” như kiến trúc sư, kỹ sư, luật sư, thầy giáo… thì tính trách nghiệm nghề nghiệp đối với xã hội rất quan trọng. Vấn đề là họ có hiểu, nhận thức được điều đó không và thực hiện điều đó như thế nào.
Câu nói của ông Thành cũng như lời nhắc nhở, triết lý, sự lo lắng cho thế hệ trẻ về trách nhiệm cống hiến của mình cho xã hội. Ngay lúc đó, tôi như tỉnh giấc mộng. Câu nói đó quá đúng với điều tôi đang trăn trở, đó là lý do khiến tôi quyết tâm tạo nên một bước ngoặt cho cuộc đời mình.
Sau đó tôi đã quyết định bàn giao và dừng lại hết các công việc đang làm. Tôi đã ở nhà một tháng để suy nghĩ về quyết định chuyển hướng và lập kế hoạch phát triển cho sự nghiệp của mình trong vòng 15- 20 năm tới.
Sứ mệnh tiên phong
Có khó khăn không khi ông lựa chọn cảnh quan là hướng phát triển mới cho mình, trong khi đây là lĩnh vực vốn không ai biết đến ở thời điểm đó?
KTS Lê Tuấn Long: Trước đó, tôi đã từng có cơ hội bén duyên với cảnh quan thiên nhiên qua rất nhiều dự án thiết kế quy hoạch du lịch. Thời đó như một nhà thám hiểm, tôi phải vượt núi băng rừng, tự mình đi khám phá những vùng đất hoang vu chưa có dấu chân người để tìm ra các địa điểm du lịch thuận lợi.
Hơn nữa, sau thời gian dài làm quy hoạch, kiến trúc, tôi nhận ra rằng, cảnh quan sẽ là nền tảng cho mình làm mọi việc sau này. Kiến trúc cảnh quan có vai trò quan trọng tạo nên môi trường sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Khi thiết kế, quy hoạch một dự án, công trình kiến trúc, mọi thứ đều phải có quan hệ mật thiết với thiên nhiên. Chính việc gắn bó với thiên nhiên sẽ làm cho văn hoá kiến trúc trở nên rõ nét hơn.
Xã hội ngày càng phát triển, người ta có thể mang bất cứ một loại vật liệu và hình thái kiến trúc nào đó trên thế giới về Việt Nam, nhưng nếu lạm dụng việc đó và không có chọn lọc thì chúng ta sẽ đánh mất mình, đánh mất văn hoá.
Chính vì vậy mà tôi hướng đến làm cảnh quan với mong muốn làm đẹp hơn, tối ưu hơn, sửa chữa những khiếm khuyết cho các dự án gặp sai lầm trong thiết kế, quy hoạch, giữ cái hồn Việt, nét bản địa trong các dự án xây dựng.
Lựa chọn bắt đầu lại từ đầu với một lĩnh vực dường như quá mới mẻ tại Việt Nam lúc bấy giờ, chắc hẳn ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn?
KTS Lê Tuấn Long: Thời điểm đó, ngành cảnh quan ở Việt Nam chưa được nhiều người biết đến. Trong suốt một thời gian dài, định nghĩa về cảnh quan đơn giản chỉ là nghề sân vườn. Nói đến cảnh quan người ta chỉ nghĩ là trồng cây, không có gì đáng làm.
Hơn nữa, thông tin kiến thức về cảnh quan thời đó rất ít, không có ai dạy, không có trường lớp nào đào tạo. Tôi hầu như phải tự tìm hiểu, tự học từ sách vở của nước ngoài, tự trau dồi kiến thức và kinh nghiệm từ những chuyến đi thực tế trong và ngoài nước.
Cũng vì là ngành nghề hoàn toàn mới nên thiết kế cảnh quan cũng không hề có thị trường khách hàng. Những ngày tháng ban đầu, tôi phải đi tuyên truyền, tìm kiếm và tự tạo ra thị trường cho chính mình, tự thiết kế và trực tiếp thi công từng khu vườn nhỏ bé trong các căn nhà phố.
Dần dần, tôi mới có cơ hội thuyết phục các chủ đầu tư về tầm quan trọng của cảnh quan trong các dự án và làm những dự án lớn hơn. Cũng vì mình trực tiếp làm từ những việc nhỏ nhất như vậy nên tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế đáng quý, từ đó giúp cho tôi rất nhiều khi tư vấn chiến lược cho các để xây dựng cảnh quan cho phù hợp.
Thiết kế cảnh quan là thiết kế cảm xúc
Lựa chọn một ngành nghề chưa ai biết đến, bắt đầu từ con số 0 nhưng cho tới nay, có thể nói Eden Landscape đã rất thành công khi trở thành đối tác của rất nhiều các chủ đầu tư lớn, tham gia thiết kế cảnh quan và đóng góp vào sự thành công của hàng loạt các dự án tên tuổi.
Vậy ông đã thuyết phục các chủ đầu tư bằng cách nào?
KTS Lê Tuấn Long: Eden thuyết phục các chủ đầu tư bằng thái độ làm việc của một công ty chính trực. Đối với chúng tôi, sự chân thành, chăm chỉ và nghiêm khắc trong công việc đã tạo ra một chất lượng thiết kế đủ làm cho các nhà đầu tư hài lòng. Chúng tôi có một đội ngũ trung thành với nhiều trụ cột đã gắn bó hơn chục năm cùng nhau và chúng tôi là một đội vô cùng ăn ý, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho các dự án chúng tôi tham gia.
Thị trường hiện nay chia làm hai nhóm chủ đầu tư: Bài bản chuyên nghiệp và ngược lại. Đối với các chủ đầu tư như Sungroup, Vingroup, Ecopark, TNR Holding… đã có đầy đủ đội ngũ quản lý thiết kế với trình độ cao, chúng tôi đến với họ như một nhà thiết kế chuyên nghiệp, mọi thứ cần tuân thủ chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng và cam kết tiến độ một cách chuẩn xác.
Nhưng đối với các chủ đầu tư còn mới, chưa có được bộ máy quản lý đầy đủ thì chúng tôi sẽ đồng hành với họ như một người bạn, chúng tôi cần giúp đỡ họ rất nhiều, kể cả việc xây dựng chiến lược sản phẩm, chiến lược landscape – marketing, kết nối họ đến các đối tác mà chúng tôi tin tưởng.
Rất nhiều chủ đầu tư đã tin tưởng Eden và gửi gắm cả việc đặt tên dự án hay cùng đồng hành để hoạch định chiến lược phát triển toàn bộ dự án của họ. Để có được điều này, chúng tôi cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả trong quá khứ. Chúng tôi đã học hỏi từng ngày, tiến bộ từng ngày và luôn thách thức chính mình, luôn đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn.
Chúng tôi có triết lý nghề nghiệp của mình, các giá trị nên tảng trong thiết kế của chúng tôi tất cả được gửi gắm trong các chữ cái của từ Eden:
E (Eco) là thiết lập sự cân bằng môi trường sinh thái, mang lại giá trị thặng dư và lợi ích bền vững cho các dự án. D (Different) là khác biệt trong thiết kế làm thế giới trở nên thú vị hơn. E (Emotional) có nghĩa là thiết kế cảnh quan là thiết kế cảm xúc. N (Native) là phát huy các giá trị văn hoá bản địa để hình thành nét riêng cho mỗi vùng đất.
Trong quá trình thiết kế, chúng tôi phải thích ứng với rất nhiều tiêu chuẩn thiết kế, nhiều mô hình kinh doanh, nhiều hệ thống quản lý của các chủ đầu tư khác nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải thích ứng với nhiều dạng địa hình khí hậu thổ nhưỡng địa phương, nhiều bối cảnh xã hội và văn hóa tại các vùng miền của cả nước. Hay đôi khi cần phải hợp tác với đối tác nước ngoài trong quá trình phát triển dự án nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ vững được giá trị nền tảng của mình.
Thật ngạc nhiên khi rất nhiều khách hàng và đối tác nước ngoài, những người ở đất nước phát triển rất xa Việt Nam luôn biểu đạt sự thích thú và trân trọng với các giá trị đó.
Dự án Hoian d’Or do EDEN thiết kế tổng thể khu nông nghiệp
Năm 2014, chúng tôi công bố khái niệm Landscape – Marketing khi thị trường bất động sản vẫn đang tận đáy của khủng hoảng, một số chủ đầu tư nhanh chóng nắm bắt cơ hội vận dụng triệt để khái niệm này và đã rất thành công, có doanh nghiệp hiện nay tôi không tiện nhắc tên, đã trở thành ông lớn trên thị trường bất động sản.
Để hình thành khái niệm này, tôi đã mất nhiều thời gian nghiên cứu và tìm giải pháp cho một thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững hơn thông qua các hoạt động đầu tư khôn ngoan hơn.
Ví dụ, về quy trình thông thường, sau khi có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt sẽ lập dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phần thiết kế hạ tầng này sẽ do đơn vị chuyên làm hạ tầng đảm nhiệm. Nhưng từ hàng chục năm nay, chúng tôi đã thuyết phục các chủ đầu tư cho thiết kế cảnh quan trước, quy định toàn bộ phần hình thái cảnh quan, bên hạ tầng chỉ phối hợp đảm nhiệm phần dưới mặt đất và các tiêu chuẩn kỹ thuật chung. Chúng ta đã có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai bộ môn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thiết kế, tiết kiệm rất nhiều thời gian và đạt được mức độ thẩm mỹ cao.
Hay là đối với các công trình chung cư cao tầng, nhiều chủ đầu tư vẫn coi việc thiết kế cảnh quan là công việc của công ty thiết kế công trình, giao cho đơn vị đó phải thiết kế toàn bộ, điều này đã tạo ra những sản phẩm không đủ tốt, vì rất khó cho ai có thể chuyên được tất cả mọi thứ.
Mặt khác nhiều chủ đầu tư coi việc hạn chế đầu tư cảnh quan là “tiết kiệm chi phí”, tuy nhiên chúng tôi đã chứng minh được rằng nếu làm thế dự án có nguy cơ không cạnh tranh được với thị trường hoặc rơi vào cảnh tồn kho, ế ẩm.
Làm cảnh quan phải được coi là “đầu tư” chứ không nên coi là “chi phí”, điều này đã nhanh chóng thay đổi bộ mặt thị trường bất động sản Việt Nam, các chủ đầu tư đã mạnh dạn hơn rất nhiều trong việc đầu tư cảnh quan.
Mục tiêu dài hơn là quay lại làm quy hoạch
Từ người làm quy hoạch, những thứ to lớn mang tính bao quát, tổng thể, định hướng chuyển sang làm những điều chi tiết nhất như thiết kế cảnh quan, có khi nào ông cảm thấy “hụt hẫng” không?
KTS Lê Tuấn Long: Theo tôi, trong vĩ mô thì cũng luôn có vi mô và ngược lại. To hay nhỏ không phải là vấn đề, quan trọng nhất là cách mình đặt vấn đề như nào, thái độ tiếp cận với vấn đề đó ra sao, mình đặt những mục tiêu gì để từ đó có được những giải pháp phù hợp.
Do đó, khi tôi làm điều nhỏ bé nhất thì tôi phải nghĩ đến thứ lớn lao nhất, nghĩ từ cái lớn nhất nghĩ vào. Và ngược lại, khi làm cái lớn nhất phải nghĩ từ cái nhỏ nhất nghĩ ra. Đối với tôi, khái niệm về quy hoạch hay cảnh quan đôi khi không còn quá rõ về ranh giới, mình cứ làm những gì mình giỏi nhất và thật sự thoải mái với không gian đó.
Nói như vậy, phải chăng ông đang chuẩn bị mọi thứ tốt nhất để quay trở lại làm quy hoạch?
KTS Lê Tuấn Long: Đúng vậy!
Ngay từ đầu, công việc chính của tôi là làm về quy hoạch, tôi được đào tạo để làm quy hoạch. Tuy nhiên, thời điểm đó cơ sở pháp lý, nhận thức xã hội không đáp ứng được mong mỏi của tôi. Chính vì vậy, tôi phải sang làm cảnh quan để tự trang bị kiến thức, tìm ra hướng mới để làm quy hoạch cho tốt hơn. Sau khi có nền tảng cảnh quan rồi, tôi có một tầm nhìn hoàn toàn khác về quy hoạch.
Trước đây, trong quá trình thiết kế cảnh quan, tôi đã phải “góp ý sửa chữa” rất nhiều đồ án về quy hoạch chi tiết, thậm chí là nhận cải tạo, điều chỉnh cục bộ do những quy hoạch đó thiếu thốn tiện ích, dịch vụ, cảnh quan cây xanh phục vụ cuộc sống của người dân.
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều đồ án quy hoạch đã phê duyệt nhưng không được tối ưu hoá trong thiết kế, không có câu chuyện, không có định hướng ý tưởng rõ ràng, không có lợi thế cạnh tranh vượt trội, chính vì thế khi mang dự án ra bán rất khó để truyền thông.
Do đó, nếu am hiểu về cảnh quan, mọi định hướng trong quy hoạch sẽ được lồng ghép ngay từ ban đầu, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc cho chủ đầu tư, bởi đôi khi, ngoài tiền bạc thì tốc độ triển khai dự án và độ chuẩn xác khi thực thi cũng là điều đáng để nói trong cạnh tranh về bất động sản.
Trước đây, khi bắt đầu chuyển hướng sang cảnh quan, trong kế hoạch tổng thể, tôi đã vạch sẵn con đường đi của chúng tôi là sau khoảng 15 năm sẽ quay trở lại làm quy hoạch.
Hiện chúng tôi đã phát triển một đội ngũ làm quy hoạch độc lập, phân khúc chính là những dự án quy hoạch chi tiết đô thị sinh thái, khu nhà ở, khu du lịch. Vũ khí bí mật của chúng tôi trên mặt trận quy hoạch vẫn là Landscape – Marketing, sau khi được tinh chỉnh, nâng cấp cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
“Tôi không chọn đi nhanh. Tôi chọn đi bền vững”
Lùi lại một bước để chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng cho hướng phát triển của doanh nghiệp sau 20 năm – một quãng thời gian rất dài, có khi nào ông thấy “nóng lòng” đợi kết quả? Hay liệu có phải ông đang quá thận trọng và cầu toàn mà bỏ qua nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng?
KTS Lê Tuấn Long: Tôi lại không cho là như vậy.
Quả thực là có rất nhiều gian nan vất vả trong suốt một hành trình dài, chúng tôi đã đi trước thị trường thiết kế cảnh quan khoảng gần 10 năm, cái giá phải trả cho sự tiên phong là tuổi trẻ của mình. Nhưng bù lại chúng tôi có một thương hiệu tốt và có rất nhiều kinh nghiệm có thể giúp ích cho chủ đầu tư, đặc biệt hơn nữa là chúng tôi luôn vui vẻ với việc mình làm.
Tôi đã vạch ra một kế hoạch rất rõ ràng và vẫn đang trên lộ trình thực hiện, chuẩn bị tốt nhất, kỹ lưỡng nhất cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Hơn nữa, người lãnh đạo luôn luôn phải đứng giữa sự lựa chọn phát triển giữa “quy mô” hay sự “ổn định” hoặc là giữa “doanh số” hay “chất lượng” sản phẩm. Chúng tôi luôn lựa chọn sự cân bằng giữa nguồn lực và khối lượng công việc để đảm bảo được chất lượng tốt nhất.
Trong ngành cảnh quan, nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển, các trường đại học tại Việt Nam mới có mã ngành đào tạo kiến trúc sư cảnh quan được vài năm nay, hầu hết là chúng tôi tự đào tạo nội bộ. Đó chính là lý do khiến tôi không vội trong việc phát triển nhanh chóng. Không chọn đi nhanh, tôi chọn đi bền vững.
Khi làm công việc này, tôi luôn có sự bình tâm, thanh thản không quá vội vàng. Tôi cũng không đặt mục tiêu quá lớn về mặt tài chính, danh vọng.
Nếu không phải vì tiền bạc, ông hướng đến điều gì trong sự nghiệp của mình?
KTS Lê Tuấn Long: Ngành thiết kế kiến trúc ở Việt Nam rất khó để trở nên giàu có, nhưng nó có rất nhiều điều thú vị. Công việc của chúng tôi thường xuyên được gặp gỡ với rất nhiều doanh nhân nổi tiếng mà sự nghiệp của họ là tấm gương cho chúng ta học hỏi.
Đó là những trải nghiệm tuyệt vời ở rất nhiều vùng miền khác nhau. Đó là sự giàu có ở tâm hồn, liên tục được sáng tạo ra thứ mới mẻ. Và hơn cả, được làm việc mang lại giá trị thực sự có ý nghĩa, cống hiến cho xã hội, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn là điều đáng quý nhất.
Đây cũng chính là chữ “Sư” – tính trách nghiệm đối với xã hội, với cộng đồng mà nhà điêu khắc Lê Công Thành đã nhắc nhở từ cách đây gần 20 năm khiến tôi thực sự tâm huyết.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguồn: theleader.vn