SEOUL BIẾN DÒNG NƯỚC BẨN THÀNH CON SUỐI CỰC ĐẸP
Không chỉ châu Á - nơi đang ngổn ngang chương trình phát triển đô thị theo công thức hiện đại xanh-sạch, mà bất kỳ TP lớn nào trên thế giới cũng có thể lấy Seoul làm hình mẫu. Ngay trong lòng TP rộng 607 km2 với 10,5 triệu dân này, một “con suối” cực đẹp đã được tái tạo, đem lại bộ mặt tươi mát và đầy ắp không khí thiên nhiên trong nhịp sống công nghiệp hiện đại. Con kênh Cheonggyecheon chẳng khác nào cảnh trí non bộ hữu tình trong một tòa biệt thự hoành tráng hiện đại. Năm nay là tròn 10 năm kể từ ngày Cheonggyecheon được tái sinh…
Xới tung vỉa hè, bơm nước vào kênh
Nguyên thủy Cheonggyecheon là một con suối dài 3.670 m và rộng ở chỗ tối đa 84 m, chạy từ hợp lưu Seongbukcheon đến hợp lưu Jungnangcheon. Cheonggyecheon được phát hiện một phần vào thời đô hộ Nhật ở nửa đầu thế kỷ 20. Có 24 cây cầu bắc ngang Cheonggyecheon và hầu hết được xây từ triều đại Joseon nhưng theo thời gian đã bị lấp kín trong lòng đất. Thời xưa bọn trẻ thường lên cầu thả diều và nam thanh nữ tú tản bộ hóng mát quanh Cheonggyecheon. Trong thời gian Nhật chiếm đóng (1910-1945), Cheonggyecheon bị ô nhiễm nặng đến mức lính Nhật thậm chí không dám rửa chân. Họ gọi Cheonggyecheon là “Takgyecheon” (Dòng nước bẩn). Theo bài viết của TS Lee Tai-sik - GS ĐH Hanyang (trên chuyên san Civil Engineering), từ cuối thế kỷ 14, khi Seoul được chọn làm kinh đô, Cheonggyecheon không chỉ chia cách Seoul về mặt địa lý mà còn được xem như một biên giới về mặt chính trị, xã hội và văn hóa.
Năm 1925, Nhật chặn một số phụ lưu để làm hệ thống cống thoát khiến dòng Cheonggyecheon càng đen kịt. Sau Thế chiến thứ hai, Seoul rơi vào một cuộc khủng hoảng khác. Hàng đoàn người nhập cư tràn vào TP, dựng nhà sàn san sát dòng Cheonggyecheon. Giữa thập niên 1950, Cheonggyecheon trở thành “biểu tượng” của khu ổ chuột nhếch nhác đói nghèo. Mãi đến năm 2001, cựu tổng giám đốc điều hành Công ty Xây dựng Hyundai Lee Myung-bak vừa đắc cử thị trưởng Seoul mới quyết định cải tạo toàn diện Cheonggyecheon. “Bứng” nguyên một xa lộ như một phần trong kế hoạch giải tỏa, Lee Myung-bak muốn biến Cheonggyecheon thành một “tiểu cảnh” thiên nhiên giữa lòng Seoul.
Đây là dự án khôi phục và chỉnh trang bộ mặt đô thị lớn nhất lịch sử Hàn Quốc cho TP 600 năm tuổi với chiều dài 10,92 km trên diện tích 50,96 km2. Nhiều lần từ sau Thế chiến thứ hai, chính quyền Seoul đã triển khai các dự án quanh Cheonggyecheon nhưng chỉ đến thời Lee Myung-bak lên thị trưởng, một kế hoạch toàn diện cho Cheonggyecheon mới thật sự được tiến hành. Từng làm việc cho Công ty Xây dựng Hyundai với biệt danh “ông ủi đất”, Lee Myung-bak tiếp tục ủi đất dựng công trình mới cho Seoul. Ông giật sập con đường cao tốc, xới tung vỉa hè, bơm nước vào kênh và tạo cảnh quan thiên nhiên cho công trình đô thị hoành tráng với tổng chi phí 360 triệu USD. Không chỉ Cheonggyecheon - hoàn thành tháng 10-2005, Seoul còn trồng khoảng 3,3 triệu cây xanh từ năm 1998 và sau đó còn dựng khu rừng Seoul với chi phí 224 triệu USD có thể so với Hyde Park của London. Seoul ngày càng xanh mướt và mát mắt…
“Máy điều hòa khổng lồ” cho Seoul
Khi chuẩn bị triển khai dự án, nhiều ý kiến phản đối rằng kế hoạch trên là bất khả thi nếu mô hình “non bộ” Cheonggyecheon của Lee Myung-bak lấn chỗ mạng giao thông xa lộ. Với gần 2,8 triệu xe hơi (so với không đầy 600.000 xe tại Hong Kong), đường phố Seoul chằng chịt và nêm cứng đến nghẹt thở. Với Lee Myung-bak, giải tỏa xe khách là yếu tố hàng đầu nhưng mở rộng mạng xe điện ngầm là ý tưởng bất khả thi (việc mở thêm 1 km đường xe điện ngầm tốn đến 100 triệu USD). Do đó, chính quyền Seoul chuyển sang mạng xe buýt bằng cách đưa thêm 74 xe buýt tốc hành và đồng bộ hóa lịch rước khách với mạng giao thông tàu điện ngầm. Xe buýt được trang bị máy định vị toàn cầu để giúp nhân viên kiểm soát giao thông làm việc tại các trạm điều khiển có thể giám sát suốt TP và điều chỉnh tuyến đường với tính hiệu quả tuyệt đối.
Tháng 7-2004, chính quyền Seoul quyết định triển khai mạng giao thông công cộng mới. Kết quả ban đầu không đem lại khích lệ. Thẻ vé bị hỏng; hành khách chẳng biết mô tê về kế hoạch giao thông mới; và tài xế xe buýt thậm chí không rành các tuyến đường mới. Dân chúng phản đối như vỡ chợ và thị trưởng Lee Myung-bak phải xin lỗi vào ba ngày sau. Tuy nhiên, dự án vẫn được thực hiện. Dần dần mọi chuyện đâu vào đó. Hàng ngàn xe buýt chạy khí thiên nhiên được đưa vào đoàn xe công cộng Seoul. Năm 2005, hai tổ chức môi trường Mỹ Environmental Defense và Transport Research Board đã trao Lee Myung-bak giải Sustainable Transport Award.
Trở lại với con kênh Cheonggyecheon. Đến nay không phải ai cũng xem công trình Lee Myung-bak là thể hiện gương mẫu của năng lực và ý chí lãnh đạo. Vài người cho rằng Cheonggyecheon chẳng khác gì cái hồ cá mà người ta phải bỏ ra gần 2 triệu USD/năm để thay nước cho nó. Tuy nhiên, Cheonggyecheon không chỉ đem lại hình ảnh thiên nhiên tươi mát về cảm quan mà còn có giá trị hữu dụng thực tế “thấy bằng mắt, sờ bằng tay” khi nó trở thành cái máy điều hòa khổng lồ đem lại hơi thở mát dịu cho Seoul. Cheonggyecheon đã giúp hạ nhiệt 3,6oC cho Seoul trong cuộc kiểm tra vào tháng 7-2014. Dòng Cheonggyecheon mới với 6,3 km đã thay đổi diện mạo Seoul.
Nhắc lại Cheonggyecheon mới thấy chỉ khi có một nhà lãnh đạo có năng lực và nhiệt huyết mới có thể đem lại những thay đổi cấp tiến trên nền tảng tất cả vì người dân.
Môi trường thay đổi rõ rệt
Chỉ bốn năm sau khi Cheonggyecheon được tái sinh, người ta đã thấy môi trường thay đổi rõ rệt. Số loài cá tăng từ bốn lên 25; chim từ sáu lên 36; côn trùng từ 15 lên 192. Nhờ giải tỏa xa lộ, mức độ ô nhiễm cũng giảm, từ 74 microgram/m3 xuống còn 48. Trước khi công trình được tiến hành, nhiệt độ quanh khu vực dọc theo các cây cầu Cheonggyecheon thường cao hơn ít nhất 5oC so với nhiệt độ trung bình Seoul. Khi nước được bơm vào và được thử nghiệm vào tháng 7-2005, người ta nhận thấy gió trong khu vực thổi nhanh gấp hai lần, do vậy nồng độ bụi lẫn CO2 đều giảm rõ rệt…
MẠNH KIM
Nguồn: phapluattp.vn