Bão Yagi, một cơn bão lịch sử có sức công phá chưa từng có, đã gây ra những tổn thất khá nặng nề cho hệ thống cây xanh trong các vườn hoa, các khu đô thị và đặc biệt là hệ thống cây bóng mát trên đường phố. Nhiều cây cổ thụ, biểu tượng cho vẻ đẹp của thành phố và là điểm check-in nổi tiếng như cây Sưa trắng gần Lăng Bác hay cây Đa gần Nhà Thờ, đã bị gãy đổ, khiến không ít người dân tiếc nuối. Bên cạnh những cây lâu năm đã phát triển xanh tốt, các cây mới trồng cành lá mới phát triển, còn nguyên cọc chống cũng không thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề. Nhiều cây bật gốc còn nguyên hệ rễ khỏe mạnh, trong khi có cây lại lộ ra rễ sâu mục hoặc bầu cây vẫn bị bao phủ bởi lớp lưới.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong thiết kế, giám sát và thi công cảnh quan, Eden Landscape mong muốn đóng góp quan điểm của mình dưới góc nhìn chuyên môn để giúp cộng đồng nhìn nhận rõ ràng hơn về thực trạng cây xanh đô thị sau bão và hướng tới những giải pháp thiết kế, thi công, chăm sóc và bảo trì cây xanh hiệu quả, bền vững. Chúng tôi xây dựng chuyên đề “Cây xanh đô thị & Bão” gồm hai bài viết. Bài thứ nhất bàn về “Thực trạng cây xanh đô thị sau bão và các nguyên nhân dẫn đến việc cây gãy đổ”, bài thứ hai đưa ra “Một số bài học và giải pháp khắc phục cây xanh sau bão”. Kính mời độc giả cùng theo dõi, mọi ý kiến đóng góp trao đổi về chuyên đề xin gửi về hòm thư: info@edenlandscape.vn.
Ảnh cây Sưa trắng gần Lăng Bác trước & sau bão YaGi. (Nguồn: VnExpress – Ảnh: Giang Trịnh)
I. THỰC TRẠNG CÂY XANH ĐÔ THỊ SAU BÃO
Chúng ta cùng nhìn lại một số tổn thất của cây xanh đô thị sau khi bão đi qua, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số nước trên thế giới.
1. TẠI VIỆT NAM
a. Các khu đô thị miền Bắc sau bão YaGi
Bão YaGi được đánh giá là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây tại Việt Nam, chính vì vậy những tác động mà cơn bão gây ra cũng khủng khiếp và rõ nét nhất. Hệ thống cây xanh đô thị tại một số nơi mà bão đi qua như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… bị thiệt hại khá nặng.
– Cây gãy đổ xảy ra ở tất cả các tuyến phố, các khu đô thị, khu dân cư….
– Các cây gãy đổ có kích thước từ nhỏ đến lớn, từ cây mới trồng đến cây cổ thụ.
– Các chủng loại cây từ cây thân gỗ, đến cây thân cột…
Hệ thống cây đường phố, vườn hoa, công viên Hà Nội:
Ảnh Một số cây bị gãy đổ tại các địa điểm quen thuộc tại Hà Nội (Nguồn: Facebook; vnexpress.net; dantri.com.vn…)
Hệ thống cây xanh trong một số khu đô thị:
Ảnh Một số cây bị gãy đổ tại một số khu đô thị của Vingroup (Nguồn: Facebook)
Ảnh Một số cây bị gãy đổ tại khu đô thị Ecopark (Nguồn: Facebook)
Ảnh Một số cây bị gãy đổ tại khu đô thị ParkCity (Nguồn: Facebook)
Ảnh Một số cây bị gãy đổ tại khu đô thị Ciputra (Nguồn: Facebook)
Ảnh Một số cây bị gãy đổ tại một số khu đô thị tại Quảng Ninh – Hải Phòng (Nguồn: danviet.vn; vietnamnet.vn)
b. Khu vực miền Trung
Theo thống kê của P-GIS từ năm 2019, thành phố Đà Nẵng & Khánh Hòa có số lượng các cơn bão đi qua lớn nhất, lần lượt là 41 và 32 trận. Nghệ an và Thanh Hóa là 2 tỉnh phải hứng chịu những cơn bão có mức độ cảnh báo cao nhất.
Một số hình ảnh cây xanh sau bão tại Đà Nẵng – năm 2022 (Nguồn: tienphong.vn & soha.vn)
Một số hình ảnh cây xanh sau bão tại Thanh hóa, Nghệ An (Nguồn: tuoitre.vn & baonghean.vn)
c. Khu vực miền Nam
Đường TP HCM ngổn ngang cây xanh sau trận cuồng phong – tháng 9/2024. (Nguồn: vnexpress.net)
2. TẠI NƯỚC NGOÀI
a. Trung quốc sau bão YaGi
Ảnh Một số cây bị gãy đổ tại Trung Quốc sau bão YaGi (Nguồn: tuoitre.vn; toquoc.vn; vtv.vn)
b. Mỹ sau bão Milton
Một số cây bị gãy đổ sau bão Milton (Nguồn MSN & WFLA)
c. Một số trận bão khác ở nước ngoài
Một số hình ảnh cây gãy đổ sau bão ở nước ngoài
3. TỔNG KẾT TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Với một số hình ảnh thiệt hại về cây sau bão và sự quan sát một số khu vực chịu ảnh hưởng của bão, ta nhận thấy có một số điểm sau:
– Trong cùng một khu vực chịu ảnh hưởng, có những tuyến phố, những vị trí cây bị tổn hại khá nặng, nhưng có những chỗ lại không.
– Tỉ lệ các cây thân cột ít gãy đổ hơn các cây thân gỗ.
– Có một số chủng loại cây chỉ bị nghiêng, chứ ít bị gãy cành – nhưng có loại lại gãy cành khá nhiều.
Ví dụ: các cây Bàng đài loan – ít bị gãy cành hơn các cây Phượng, Lim xẹt.
– Những cây có lá to, tán dày, nặng – gãy đổ nhiều hơn các cây có lá nhỏ, tán thưa.
Ví dụ: Đa, Xoài, Lộc vừng, Osaka đỏ – gãy đổ nhiều hơn.
– Các cây bị gãy thân, gốc: Chủ yếu là các cây có thân hoặc cành đã bị mục.
II. CÁC NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN VIỆC CÂY GÃY ĐỔ
1. CẤU TRÚC CÂY
• Mỗi cây khác nhau sẽ có cấu trúc Rễ – Thân – Cành – Lá khác nhau, nó sẽ có phản ứng và tình trạng thiệt hại khác nhau khi có mưa bão, có cây thì chỉ nghiêng đổ, nhưng có cây cứ mưa to gió lớn là có thể gãy cành, bật gốc…
a. Cấu trúc rễ cây đô thị:
• Rễ cây cắm vào đất hút nước, chất dinh dưỡng, không khí và neo cây. Nếu không bị cản trở, rễ sẽ phát triển vượt xa mép ngoài của tán lá, rễ của cây trưởng thành có thể lan rộng bằng 2 lần đường kính tán cây.
Hình ảnh rễ cây có chiều rộng vượt xa rất nhiều chiều sâu của chúng, chúng có thể lan rộng bằng hai lần đường kính tán cây. (Nguồn: ddot.dc.gov)
Chúng ta hãy cùng nhìn lại hệ thống rễ của cây xanh trong đô thị.
• Không gian phát triển nhỏ hẹp do vỉa hè nhỏ, hạ tầng kĩ thuật (viết tắt HTKT) chồng lấn:
Ở các đô thị đông đúc, trên các vỉa hè, đất thường bị nén chặt. Đất có rất ít khoảng trống, rễ cây thường mọc trong khoảng không giữa lớp đất đầm chặt và vỉa hè bên trên nơi có không khí và nước.
Hiện nay, các khu đô thị có vỉa hè nhỏ, công trình bố trí sát mép vỉa hè, không có khoảng lùi. Có những tuyến vỉa hè chỉ rộng 2-3m; rộng hơn thì 4-5m. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thoát nước thải, thoát nước mưa, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp nước… đa phần đều được đặt trên vỉa hè. Hệ thống cây xanh trên đường phố mà chúng ta thấy, ở phía dưới rễ cây đang phải nằm cùng rất nhiều đường ống, dây rợ, không gian phát triển rất hẹp.
• Dinh dưỡng để rễ phát triển không nhiều:
Phần đất màu trồng cây chỉ có vài chục phân được bổ sung ở giai đoạn mới trồng. Đất tôn nền của vỉa hè chủ yếu là đất cát, không có nhiều dinh dưỡng cho cây phát triển. Không những vậy, những phần đất này còn được đầm chặt, đất có rất ít khoảng trống, rễ cây thường mọc trong khoảng không giữa lớp đất đầm chặt và vỉa hè bên trên nơi có không khí và nước. Việc này khiến rễ cây khó phát triển theo chiều sâu mà có xu hướng phát triển ngang. Khi rễ cây phát triển, nó sẽ nâng mặt đường lên và khiến vỉa hè bị nhô lên.
Hệ thống HTKT trên vỉa hè – không gian dinh dưỡng của cây rất ít (Nguồn: Facebook “Công ty Khoa học và Công nghệ” & Báo VietNamnet.VN)
Hình ảnh hệ thống rễ cây thực tế – bị bật lên sau bão YaGi (Nguồn: Eden Landscape)
b. Cấu trúc thân – cành
• Độ dẻo dai của thân cành:
– Thông thường các cây có tốc độ phát triển nhanh, gỗ sẽ có mật độ thấp hơn, mềm hơn, dễ gãy hơn các cây có tốc độ phát triển chậm, mật độ gỗ cao hơn cứng hơn.
Ví Dụ các cây Bàng đài loan, Long não sẽ dẻo dai hơn các cây Lim xẹt, Osaka…
– Các cây có vỏ nhiều sợi dai, sẽ dẻo dai hơn các cây không có: Ví dụ các cây Đa, sanh, si
• Cấu trúc mọc ra của thân – cành:
Trong tự nhiên, mỗi loại cây có một cách phân cành khác nhau, tùy vào góc mọc của cành so với thân cây sẽ một số cấu trúc điển hình đó là cấu trúc hình chữ U và hình chữ V.
Cấu trúc chữ U: góc mở rộng, giúp các thớ gỗ giữa thân và cành đan vào nhau một cách chặt chẽ.
Cấu trúc chữ V: góc mọc cành nhỏ, đôi khi còn kẹt lại phần vỏ ở giữa thân và cành, đồng thời các thớ gỗ ít có sự đan vào nhau khiến cho liên kết không được chặt chẽ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc một số cây có cành khá chắc chắn, ít bị gãy như Bàng Đài loan, một số cây lại rất dễ gãy cành như Phượng, Lim xẹt
Ảnh minh họa cấu trúc cành hình chữ U
Cấu trúc cảnh của cây Bàng đài loan cành dẻo dai, ít gãy.
Ảnh minh họa cấu trúc cành hình chữ V
Cấu trúc cành của cây Lim xẹt, Phượng, Liễu…
Do mọc theo cấu trúc chữ V, nên cành dễ gãy, tách khỏi thân
c. Cấu trúc lá – tán lá
Khi có mưa bão, tất cả các yếu tố về lá đều là một yếu tố góp phần ảnh hưởng đến sự phản ứng của cây
• Kích thước lá: Lá càng to bản, độ cản gió càng nhiều.
• Mật độ lá, mật độ cành lá trên cây: ảnh hưởng đến độ dày tán. Tán càng dày, càng nặng, càng cản gió nhiều.
• Cấu tạo bề mặt lá: bề mặt lá phẳng hay lồi lõm, trơn bóng hay gồ ghề, có lông ảnh hưởng đến độ thấm và giữ nước của tán lá. Câu tục ngữ “Nước đổ lá Khoai”, “nước đổ lá Sen”, hay “hiệu ứng lá Sen” chính là chỉ sự thấm nước và không thấm nước của lá cây hay còn gọi là hiện tượng dính ướt và không dính ướt. Với các bề mặt lá nhẵn bóng, hoặc lông dày mịn: nước mưa sẽ ít bám được vào lá, rơi xuống rất nhanh, giải phóng trọng lượng lên lá và đầu cành cây. Với các bề mặt lá sần sùi, lông không mịn: đây là những cây có khả năng hấp thụ khói bụi, nhưng khi mưa đến những lá cây này sẽ có khả năng giữ lại nước trên bề mặt, khiến tán lá bị nặng.
Hai giọt nước trên bề mặt lá sen & những giọt nước trên lá Sen (Nguồn Wikipedia)
Những giọt nước đọng trên lá cây Alchemilla mollis & cây Bách xanh
Ảnh minh họa tác động của gió đối với cây
Những cây lá to, tán dày sẽ cản gió nhiều hơn, dẫn đến gãy đổ nhiều hơn.
Ảnh minh họa một số cây gãy sau bão (Nguồn: dantri.com.vn; Ms Mai Hương)
2. TỐC ĐỘ GIÓ, HƯỚNG GIÓ
a. Sức gió quá mạnh
Bão YaGi là cơn bão mạnh nhất mà châu Á ghi nhận trong năm nay đồng thời là cơn bão mạnh thứ 2 thế giới tính tới hiện tại sau siêu bão Beryl. Khi vào đất liền Việt Nam bão có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11, mỗi giờ đi được 20 km thì có sức phá hoại cực kỳ lớn.
b. Luồng gió hút trong đô thị
Trong đô thị lớn, có nhiều tòa nhà cao tầng san sát nhau, khi gió thổi đến thường xảy ra 2 hiện tượng:
• Hiệu ứng Downdraught, nghĩa là khi gió va vào 1 tòa nhà cao tầng, nó bị chặn lại, không còn nơi nào khác để đi, chúng sẽ bị đẩy xuống, đẩy lên hoặc đi vào các cạnh của tòa nhà. Áp lực không khí đi xuống làm tăng tốc độ gió ở khu vực bên dưới công trình.
• Hiệu ứng Venturi – Là hiện tượng khi gió thổi qua 1 khe hẹp có thể là khe giữa của 2 dãy nhà, thì áp suất giảm nhưng vận tốc của nó lại tăng lên.
Những hiệu ứng này, khiến cho gió trong đô thị khá nhiễu loạn. Có những khu vực được chắn gió, ít có gió thổi đến, có những khu vực thì lại có gió mạnh, gió xoáy, gió giạt cục bộ.
Điều này cũng giải thích hiện tượng, ta thường cảm thấy gió thổi mạnh hơn khi đứng gần các nhà cao tầng. đồng thời khi bão đến hoặc khi có giông lốc đi qua, cây xanh ở những vị trí khuất gió không bị thiệt hại gì nhiều còn cây nào nằm vào khe gió, điểm gió xoáy lại bị thiệt hại khá nặng.
Hình ảnh hiệu ứng Downdraught& Venturi
Hình ảnh sự di chuyển của gió khi gặp các tòa nhà trong đô thị
Một số hình ảnh thể hiện luồng gió xoáy trong đô thị
3. QUY HOẠCH – THIẾT KẾ
Về quy hoạch, chưa có quy hoạch tổng thể, cụ thể, tầm nhìn dài hạn cho hệ thống cây xanh. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhà cao tầng nhiều, vỉa hè thì hẹp… không đủ không gian cho cây phát triển.
Về thiết kế, chủng loại cây, kích thước cây chưa phù hợp. Chưa có nghiên cứu cụ thể về loài cây trồng trên đường phố phù hợp với điều kiện địa phương và có khả năng chống chịu trong mùa mưa bão. Đồng thời, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa việc thiết kế cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Các vấn đề này đã được nhiều chuyên gia đầu ngành nhắc đến, tác giả sẽ phân tích kỹ ở bài viết sau.
4. KỸ THUẬT THI CÔNG – CHĂM SÓC
a. Chất lượng cây đầu vào thấp
Kích thước bầu cây quá nhỏ so với tương quan cây, hệ rễ chính bị cắt quá cụt khiến rễ mất đi khả năng neo giữ cây.
Bầu quá nhỏ so với tương quan cây, hệ rễ chính bị cắt quá cụt
b. Kỹ thuật thi công chưa đúng
Nổi cộm là vấn đề bó bầu cây. Việc tháo hay không tháo bó bầu đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, với hai luồng ý kiến:
Một là: Phải tháo bỏ lớp bó bầu khi trồng để cho cây phát triển rễ, việc ko gỡ bó bầu là sai kỹ thuật.
Hai là: Giữ lại bó bầu, để tránh cây bị vỡ bầu, tăng tỉ lệ cây sống, sau một thời gian trồng và phát triển, rễ cây sẽ đâm ra, phá bỏ lớp bó bầu.
Vậy quan điểm đúng ở đây là gì?
Với chất liệu có thời gian phân hủy ngắn như lưới dệt bằng Xơ dừa hay Sợi đay, Rơm rạ…đây là những chất liệu tự nhiên từ thực vật, có thể phân hủy sau thời gian ngắn và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, phải đúng là vật liệu thân thiện và có thời gian phân hủy ngắn.
⇒ Bó bầu này có thể giữ lại. Đồng thời cần vén xuống càng nhiều càng tốt, tối thiểu là 1/3 phần trên cùng của bầu. Trước khi trồng có thể tưới thêm vi sinh để tăng cường tốc độ phân hủy bổ sung dưỡng chất cho cây trồng. Ngoài ra mắt lưới cũng phải đủ rộng để rễ mọc sau trồng.
Nhưng thực tế ở nước ta, vật liệu bó bầu chủ yếu là các vật liệu nhựa như lưới đen, lưới trắng, lưới sắt, bao xác rắn, nilong…những vật liệu này thường có nguồn gốc từ polyethylene (PE) hoặc polypropylene (PP) rất khó phân hủy, đặc biệt là khi chúng được chôn trong đất thì lại càng khó phân huỷ, thời gian phân hủy phải hàng chục đến hàng trăm năm.
Những vật liệu này đúng là rất tiện lợi, có khả năng bó bầu chặt chẽ, nhưng nếu giữ lại khi trồng, nó sẽ khiến rễ cây bị thít lại, bó chặt, không thể phát triển bình thường được. Người ta thường ví, việc không tháo bỏ bó bầu và lưới giống như “nụ hôn của tử thần” đối với cây của bạn.
⇒ Bó bầu này cần loại bỏ 100%.
Bó bầu cây bằng lưới – không tháo bó bầu sau khi trồng
c. Hệ thống cọc chống cây không đảm bảo.
Hệ thống cọc thép xiêu vẹo, không có điểm tì, được gắn lỏng lẻo vào thân cây, không hề có khả năng chống đỡ cho cây. Một số hệ thống cọc gỗ lại đóng đinh vào thân cây làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Hình ảnh một số hệ thống cọc chống cây không đảm bảo kỹ thuật
5. QUẢN LÝ VẬN HÀNH – CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ VỚI MƯA BÃO
a. Một số cây gốc rễ đã mục ruỗng không được phát hiện, xử lý kịp thời
Ảnh minh họa một số thân cây đã sâu mục (Nguồn: vovgiaothong.vn; cafef.vn)
b. Chủ quan, không cắt tỉa cây trước mùa mưa bão
Ở các tỉnh miền Trung, thường xuyên có bão, nên đã hình thành thói quen cắt tỉa cành cây vào tầm tháng 7-8. Việc cắt tỉa cây này cũng thực hiện đều đặn vào một vài năm trước tại nhiều đô thị. Tuy nhiên giữa thời tiết nắng nóng của tháng 7-8 việc cắt tỉa cây bóng mát cũng gặp phải không ít ý kiến phản đối của người dân. Chính vì vậy một số năm gần đây, do xu hướng ưu tiên không gian xanh mát, nên cây bóng mát ít được cắt tỉa hơn, điều này dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng sau khi bão đi qua.
Việc cắt tỉa cây trước bão như thế nào, cắt tỉa bao nhiêu phần trăm, cần có sự đánh giá, tính toán cân nhắc từng vị trí xem khu vực đó khuất gió hay có gió mạnh, để vừa đảm bảo an toàn mưa bão, vừa đảm bảo thẩm mỹ.
Hình ảnh về các mức cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão ở Sài Gòn, Bình Phước (Nguồn: dttc.sggp.org.vn; ankhanggroup.net)
c. Mức độ đầu tư còn thấp.
Mức độ đầu tư cho cây xanh đô thị thực sự cần được nhìn nhận một cách toàn diện. Ngoài kinh phí cho các hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh, nó còn bao gồm cả Sự quan tâm quản lý sát sao của các ban ngành đoàn thể – Sự thực hiện nghiêm túc đầy trách nhiệm của các đơn vị thực hiện – Ý thức giữ gìn bảo vệ của người dân. Trong đó:
• Quản lý và giám sát: Các đơn vị quản lý cần có chủ trương định hướng rõ ràng, dài hạn đối với hệ thống cây xanh, thường xuyên theo dõi và đánh giá tình hình phát triển của hệ thống cây xanh.
• Trách nhiệm của đơn vị thực hiện: Các đơn vị thi công và bảo trì cần sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc và có trách nhiệm để đảm bảo cây xanh phát triển tốt.
• Ý thức của cộng đồng: Người dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và gìn giữ cây xanh, tuyên truyền và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.
• Kinh phí đầu tư: là một yếu tố quan trọng, quyết định đến kết quả của những việc này. Nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cây đầu vào, đến quá trình thi công, chăm sóc, quá trình quản lý vận hành mà còn cả quá trình quy hoạch, định hướng ban đầu…
Mức độ đầu tư thấp dẫn tới thực trạng cây xanh ở các đô thị hiện nay còn tồn tại một số vấn đề như:
Một số huyện, thị xã chưa có quy hoạch cây xanh, hệ thống cây xanh được trồng tự phát, do người dân trồng cây để lấy bóng mát nên thường chọn những loài cây lớn nhanh, tán rộng. Trên một số tuyến đường còn trồng nhiều loài cây hỗn tạp, không đáp ứng tiêu chí cây trồng đô thị, chưa bảo đảm cảnh quan.
Tại các thành phố lớn ở nước ta hiện nay, mật độ cây xanh vẫn còn rất thấp. Theo Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam của Cục Hạ tầng kỹ thuật (thuộc Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 – 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2. Thủ đô Hà Nội chỉ đạt tỷ lệ 5,52 m2/người trong khi TP. HCM và TP Đà Nẵng có mức thấp (2,4 m2/người). Điều này có nghĩa là chỉ tiêu cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới. (Theo: moitruong.net.vn)
Các vấn đề xảy ra trong quá trình duy trì chăm sóc không được xử lý kịp thời như rễ cây phá vỡ vỉa hè, hệ thống cọc chống gắn hờ hững trên vỉa hè, cọc chống bị bung, đai thép siết chặt vào thân cây, người dân đóng đinh gắn biển quảng cáo lên thân cây…tồn tại rất nhiều không được xử lý.
Với một số thực trạng cây xanh vừa nêu ra, có thể thấy rằng hệ thống cây xanh đô thị chưa được sự quan tâm, đầu tư đúng mực. Trong bối cảnh cả thế giới đang hướng tới đạt net-zero vào năm 2050, chúng ta cần phải đầu tư hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để không chỉ có một hệ thống cây xanh đô thị phát triển đẹp mà còn vì sự phát triển bền vững của toàn thế giới.
TP. cây xanh Lê Thị Thanh Bình
Eden Landscape