Trong bài viết là sáu ví dụ chuyển đổi từ đường cao tốc thành công viên, một số đã được hoàn thành, trong khi một số vẫn đang được xây dựng.

Xây dựng đường cao tốc trong thành phố thường được coi là giải pháp cho ách tắc giao thông. Tuy nhiên, khi lái xe có nhiều tuyến đường để đi hơn, họ chọn tiếp tục sử dụng phương tiện cá nhân thay vì sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc xe đạp, và kết quả là tắc nghẽn không giảm.

Do đó, một số thành phố đã cắt bớt không gian dành cho ô tô và biến các con đường cao tốc thành công viên đô thị và các đường phố thông thường.

Harbor Drive, Portland – Hoa Kỳ

Một trong những đường cao tốc đầu tiên ở Mỹ được loại bỏ để nhường chỗ cho công viên là Portland Drive, được xây dựng bên bờ sông Willamette. Năm 1974, công việc chuyển đổi đã bắt đầu, công viên mới tên là Tom McCall Park.

Cầu Hawthorne, ban đầu là một phần của đường cao tốc, trở thành cầu dành cho người đi xe đạp và người đi bộ, nối First Avenue với công viên.

Cheonggyecheon, Seoul – Hàn Quốc

Đường cao tốc Cheonggyecheon ở Seoul được xây dựng trên một con kênh cùng tên. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và tiếng ồn gây ra bởi hơn 160.000 xe sử dụng đường cao tốc hàng ngày, thị trưởng Lee Myung Bak đã đưa ra kế hoạch phá hủy nó và xây dựng một công viên thay thế.

Phương án được lựa chọn do Kee Yeon Hwang thiết kế, dọn sạch kênh đào và biến nó thành khu vực công cộng. Sự chuyển đổi này đã làm giảm mức độ tiếng ồn và nhiệt độ trong khu vực xung quanh.

Pier Freeway, San Francisco

Vào đầu những năm 1980 ở San Francisco, một kế hoạch đã đề xuất phá hủy đường cao tốc California 480 và xây dựng một công viên thay thế. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1991, khi đường cao tốc hai tầng này bị hư hại sau khi trận động đất năm 1989, nó mới bị phá bỏ hoàn toàn. Các nghiên cứu kết luận rằng việc xây dựng lại tuyến đường cao tốc tốn kém hơn nhiều so với việc xây dựng một công viên.

Ngày nay, nơi này là một trong những cảnh quan đẹp nhất của vịnh San Francisco và có nhiều đường dành cho người đi bộ và xe đạp.

Madrid Río, Madrid

Trong năm 2000, dự án công viên Madrid Río đã được khởi động, nhằm phục hồi cảnh quan bờ sông Manzares. Tuy nhiên có một số đoạn đường cao tốc M-30 vượt qua dòng sông khiến dự án trở nên khó khăn hơn.

Vì có một số cấu trúc lịch sử liên quan, như cây cầu lâu đời Puente de Segovia, nhà thờ Ermita Virgen del Puerto và cầu Puente del Rey, dự án buộc phải duy trì các công trình cổ của thành phố ở giữa công viên.

Công viên mở cửa vào năm 2011, cung cấp không gian công cộng cho hoạt động thể thao, đi bộ, và các cơ hội để tìm hiểu về lịch sử của thành phố. Đường cao tốc M-30 không bị phá hủy hoàn toàn, nhưng giao thông được chuyển hướng thành các đường hầm ngầm.

Công viên East Freeway, Milwaukee

Trong những năm 1960, dự án Đường cao tốc Park East dự kiến sẽ đi quanh khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, các cư dân phản đối dự án, cho rằng nó sẽ gây ra nhiều tiếng ồn. Vì lý do này, đường cao tốc chưa bao giờ được hoàn thành và một số khu vực đã bị phá bỏ trong giai đoạn 1999-2002 để phát triển dự án công viên Park East.

Công viên rộng 60 ha, nối khu trung tâm thành phố với bờ sông.

Alaskan Way, Seattle

Alaskan Way, Seattle

Năm 2001, một trận động đất đã phá huỷ cầu vượt của Đường cao tốc Alaska ở Seattle. Ban đầu, chính quyền định xây dựng lại cây cầu, tuy nhiên sau đó họ đã quyết định xây một đường hầm ngầm bốn làn đường thay thế. Khu vực cầu cũ trở thành không gian cho người đi bộ.

 

Nguồn: kienviet.net