Sự bùng nổ của dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt, trước những biến động ngắn hạn nhiều chủ dự án gặp khó khăn về dòng tiền khiến họ cân nhắc bán tài sản hoặc tìm đối tác đầu tư.
Trong báo cáo tác động của dịch cúm do vi-rút corona mới (Covid-19), công ty chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá ngành bất động sản nghỉ dưỡng chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các phân khúc còn lại. “Dịch vụ du lịch và lưu trú bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel trong ngắn hạn,” báo cáo cho hay.
Các nhà phân tích của BSC cho rằng các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong ngắn hạn sẽ càng khó khăn hơn trong việc mở bán dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thu tiền so với kế hoạch mở bán trước đó.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Raymond Clement, giám đốc điều hành Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương cho rằng với diễn biến hiện nay, ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, bên bán gặp nhiều khó khăn hơn do tác động tiêu cực của dòng tiền. Trong khi bên mua, các nhà đầu tư luôn có sẵn nguồn tiền để tiến tới các giao dịch.
Sự thiếu hụt dòng tiền làm gia tăng áp lực tài chính, đặc biệt đối với các dự án có tính đòn bẩy cao, khiến chủ đầu tư phải bán tài sản hoặc tìm đối tác rót vốn. “Dự kiến năm nay sẽ có nhiều dự án được chào bán tại Việt Nam và các nước lân cận, đặc biệt ở các điểm đến ven biển vì là những nơi phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh lượng du khách,” ông Raymond nhận định.
Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản châu Á, Jones Lang LaSalle cũng nhấn mạnh dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của du khách Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến dòng vốn từ Trung Quốc đổ vào các thị trường bất động sản châu Á.
JLL cho rằng các giao dịch trong khu vực có thể bị “nén lại” do phần lớn nhà đầu tư đang trong tâm lý chờ đợi và trì hoãn. “Nếu bệnh dịch kết thúc sớm hơn thì nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào các thương vụ bất động sản có thể phục hồi từ quý II. Các chính sách điều tiết cũng sẽ bắt đầu có tác dụng qua đó giúp thị trường phục hồi trong nửa cuối năm,” theo JLL.
Chuyên gia Savills cũng cho rằng thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng đến hết quý II.2020 và phục hồi vào sáu tháng cuối năm nếu bệnh dịch được kiểm soát sớm.
Số liệu Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam những năm qua tăng đều, năm 2019 tăng 16%, đạt hơn 18 triệu lượt. Savills nhận định du khách quốc tế xem Việt Nam như một lựa chọn thay thế cho Thái Lan – quốc gia đang dẫn đầu lĩnh vực du lịch tại Đông Nam Á đã thúc đẩy lượng khách đến Việt Nam.
Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam cũng có sự phát triển vượt bậc nhờ cơ sở hạ tầng và công nghệ được thúc đẩy, sự thay đổi tích cực trong hành vi tiêu dùng của khách hàng… Những quyết sách thúc đẩy ngành du lịch của Chính phủ cũng đã tạo tiền đề quan trọng để các nhà đầu tư mạnh tay rót vốn vào bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Sự kiện CoCoBay tại Đà Nẵng cuối năm ngoái như “gáo nước lạnh” đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt phân khúc condotel. Mới đây, bộ Tài nguyên Môi trường đã công bố hướng dẫn mới về việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở như một cách công nhận hình thức condotel tại Việt Nam. Điều này theo Savills sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam thời gian tới.
Savills ghi nhận những giao dịch mua bán khách sạn tại Việt Nam vài năm qua còn rất hạn chế so với các quốc gia khác trong khu vực do phần lớn các giao dịch không được công bố rộng rãi. Ông Mauro Gasparotti – giám đốc Savills Hotel châu Á – Thái Bình Dương cho rằng các giao dịch nổi bật được ghi nhận tại Việt Nam năm 2019 như quỹ đầu tư Warburg Pincus mua lại phần lớn khu nghỉ dưỡng The Grand Hồ Tràm Strip hay tập đoàn Berjaya của Malaysia thoái toàn bộ 75% vốn tại InterContinental Hanoi Westlake trị giÁ hơn 53 triệu USD.
Ông Mauro cũng cho biết trong khi các nhà điều hành khách sạn đã ký kết thành công khá nhiều hợp đồng quản lý thì các nhà đầu tư nước ngoài lại không mấy suôn sẻ trong việc thực hiện những thương vụ đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu hụt các khách sạn được chào bán trên thị trường, sự phức tạp về pháp lý cùng với sự cạnh tranh khốc liệt khi các doanh nghiệp trong nước cũng tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào phân khúc này.
Theo ông Raymond, người làm việc trực tiếp với nhà đầu tư trong nhiều thương vụ, một trong những lý do khiến Việt Nam thu hút đầu tư là bởi lợi suất đầu tư của các dự án vẫn ở mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực. “Hầu hết các nhà đầu tư kinh nghiệm khi đầu tư vào lĩnh vực này họ đều tính đến các rủi ro và cân nhắc lợi suất đầu tư để đưa ra quyết định”, ông Raymond nói.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh nếu đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng ở tầm nhìn dài hạn thì các tác động từ Covid-19 càng là cơ hội để sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực trên thị trường và cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tìm được những thương vụ khả thi tại Việt Nam – điểm đến du lịch được đánh giá nhiều tiềm năng trong khu vực.
Nguồn: Forbesvietnam