NGUY CƠ ĐÁNH MẤT LINH HỒN ĐÔ THỊ
Đối với kiến trúc đô thị hiện đại, tính bản địa giữ một vị thế vô cùng quan trọng. Bản địa chính là văn hóa. Mất đi tính văn hóa tức là đã đánh mất tất cả.
Khi linh hồn trong kiến trúc đô thị bị lãng quên
Là một kiến trúc sư đã từng đặt chân đến Sapa từ cách đây gần 25 năm và rất yêu vùng đất này, ông Lê Tuấn Long, Tổng giám đốc Công ty CP Kiến trúc phong cảnh Việt Nam (Eden Landscape) không khỏi tiếc nuối ngày trở lại.
Ảnh: KTS Lê Tuấn Long – Tổng giám đốc Eden Landscape
Hồi tưởng vẻ đẹp dịu dàng, mơ màng, quyến rũ của thiên nhiên và con người nơi đây, ông Long ví Sapa như một tác phẩm nghệ thuật. Đáng tiếc, tác phẩm đó lại đang dần “mất giá”.
“Sapa đáng lẽ phải trở thành nơi một nơi thi vị, lãng mạn như chén rượu thơm ngon, chất lượng hảo hạng thì bây giờ lại trở thành một chai rượu công nghiệp, một cốc bia bình dân”. Ông Long ngậm mùi.
Sapa vốn dĩ chỉ phù hợp với những nét đẹp nhẹ nhàng nhưng hiện nay đang dần bị phá vỡ bởi sự phát triển quá nhanh, quá nóng của các công trình xây dựng. Số lượng dự án tại đây đang quá lớn, vượt qua sức chịu đựng của một thị trấn nhỏ bé, nằm khuất lấp như cô gái đẹp ngủ trong rừng. Sapa đang lựa chọn phát triển du lịch đại trà chứ không phải phát triển theo chất lượng, trở thành một khu du lịch đẳng cấp quốc tế.
Ông Long nhớ lại, cách đây hơn 10 năm một đoàn công tác của Pháp đến Sapa sáu tháng để nghiên cứu về chiến lược phát triển cho thị trấn này. Sau đó, họ làm báo cáo và kết luận rằng, đối với Sapa, “không nên làm gì vội” vì trình độ kiến trúc, quy hoạch, mô hình quản lý chưa tốt. Nơi đây giống như thứ cần được coi là của để dành.
“Nàng công chúa đẹp mà thấy ai đến cũng gả ngay sẽ không thể tìm được một chàng hoàng tử xứng đáng mà phải chọn đúng người đúng thời điểm”, ông Long nói và cho biết đó chính là tính chiến lược trong phát triển đô thị. Đáng buồn là Sapa đang không làm được điều này!
Theo ông Long, tính bản địa trong kiến trúc, văn hóa của Sapa rất mạnh. Nếu người làm quy hoạch, phát triển dự án không nhìn ra yếu tố đó, dựa vào đó để phát triển bền vững mà cứ xây dựng ồ ạt để kiếm tiền, không tôn trọng tính bản địa thì coi như đã đánh mất linh hồn của cả một vùng đất.
Đây cũng chính là lý do khiến những người vốn rất yêu phong cảnh, kiến trúc của thị trấn này giờ không còn mấy mặn mà, vừa buồn vừa tiếc nuối. Sapa hiện nay phần lớn thu hút những đối tượng khách du lịch hiếu kỳ. Mà đã gọi là hiếu kỳ thì chỉ đi một lần, không quay trở lại. Cách làm du lịch ngắn hạn như vậy không mang giá trị cho vùng đất này.
Sapa có thể đang phát triển nhanh ở quy mô, nhưng sự bền vững thì chưa có. Nếu không có sự bền vững thì sẽ có nguy cơ dẫn đến những hậu quả khó lường ở trong tương lai không xa mà thế hệ con cháu người dân nơi đây phải gánh chịu, ông Long nhận định.
Vai trò của tính bản địa trong kiến trúc đô thị hiện đại
Từ câu chuyện đánh mất tính bản địa của Sapa, Tổng giám đốc Eden Landscape cho rằng, đối với kiến trúc đô thị, tính bản địa giữ một vị thế quan trọng hàng đầu. Bản địa chính là văn hóa. Nếu mất đi tính bản địa trong kiến trúc tức là đã đánh mất tất cả.
Sở dĩ như vậy vì hiện nay, trào lưu quốc tế hóa kiến trúc ở Việt Nam đang phổ biến, thành phố nào nhìn cũng na ná giống nhau. Không có tính bản địa không chỉ khiến cho công trình kiến trúc mất đi nét đẹp độc đáo, riêng biệt của từng vùng, mà còn làm phá vỡ đi nét đẹp vốn có của từng địa phương đó.
Tính bản địa trong kiến trúc đô thị hiểu một cách đơn giản là kiến trúc của công trình nào, nằm ở đâu thì phải có tính thích ứng với vùng đất, dân cư bản địa, điều kiện tự nhiên, phong thủy, khí hậu, thổ nhưỡng, kể cả với điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ công nghệ ở đó. Tính bản địa phải thể hiện được nét riêng của vùng đất đó.
Theo ông Long, từ trước đến nay, ngành kiến trúc vốn hay dùng các từ như “văn hóa dân tộc”, “tính truyền thống”… song cách dùng từ như vậy là chưa chính xác bởi thế nào là truyền thống vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng. Truyền thống từ thời Văn Lang, thời ăn lông ở lỗ, hay như thời phong kiến nhà tranh vách đất, nhà gạch mái ngói? Hay truyền thống ở giai tầng nào, truyền thống của dân nghèo khác nhà giàu?
Truyền thống qua từng quá trình lịch sử, mỗi vùng miền Bắc, Trung, Nam, mỗi dân tộc lại mỗi thời mỗi khác. Do đó nếu hiểu “truyền thống” như việc phải sao chép lại các thiết kế cổ truyền hoặc là áp đặt các nét văn hóa từ các thế hệ trước cho thế hệ này là một điều vô nghĩa. Đôi khi nó còn mang tính phân biệt giàu nghèo, giai tầng, đôi khi còn phiến diện vì không xác định được cả quá trình phát triển của lịch sử.
Ngay cả trong thời hiện đại, thế nào là truyền thống cũng chưa được định nghĩa cụ thể mà hầu như là cách gọi “quen mồm” của rất nhiều người. Trong khi đó, nếu dùng từ bản địa sẽ đúng đắn và phù hợp hơn. Trong “bản địa” có tính thời đại, tính thời điểm.
Ngành kiến trúc phải liên tục thay đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội và thời đại. Ngày xưa người ta đi xe ngựa thì con đường làm khác so với con đường cho đi xe máy, ô tô ngày nay. Những cảnh trên bến dưới thuyền (do phải di chuyển bằng đường sông) giờ được thay bằng các nhà ga cho phương tiện đường bộ. Song, tính bản địa là những gì phù hợp nhất, mang tính duy nhất ở mỗi thời điểm địa điểm, phù hợp với cá thể, quần thể xã hội mà các kiến trúc sư nên lưu tâm khi thiết kế.
Ảnh: Quảng trường Ruby, khu đô thị Goldmark City, Hà Nội (nguồn: Eden Landscape)
Vì thế, vai trò của tính bản địa trong kiến trúc đô thị là vô cùng quan trọng. Trong mỗi công trình kiến trúc đều phải có nét thiết kế nét riêng. Nhưng sáng tạo này phải có căn cứ, lập luận cơ sở chứ không phải ngẫu nhiên và tính bản địa chính là cơ sở, lý do để người kiến trúc sư căn cứ vào đó để sáng tác, làm nên cái mới.
Ông Long lấy ví dụ là những công trình Pháp xây dựng tại Việt Nam từ thế kỷ trước. Khi người Pháp sang Việt Nam, phát triển, hình thành nên các đô thị, tổ chức chính quyền, họ đã xây dựng nên các công trình mang vóc dáng và kỹ thuật từ nước mẹ, tuy nhiên điều kiện khí hậu Việt nam rất khác nên họ đã chuyển hóa thành ngôn ngữ kiến trúc mới. Cũng là kiến trúc Pháp nhưng rõ ràng, Pháp Đông Dương khác Pháp nguyên gốc. Kiến trúc Pháp ở khí hậu nóng khác ở khí hậu lạnh, kiến trúc Pháp ở Sapa khác ở Tam Đảo, ở Hà Nội khác ở Sài Gòn… Đó chính là do các kiến trúc sư đã bản địa hóa kiến trúc Pháp để thích nghi với từng vùng đất mới.
Đây cũng là cách để xây dựng các đô thị có bản sắc riêng, đường nét riêng. Thay vì lấy y nguyên kiến trúc của nước khác thì có thể bản địa hóa nó để tạo ra kiến trúc của riêng mình, nét đặc trưng, riêng biệt của riêng mình.
Trước đó, vẻ đẹp của Sapa cũng một phần là nhờ các kiến trúc sư đã đưa kiến trúc Pháp về nhưng vẫn tôn trọng yếu tố bản địa. Trong khi đó, hiện nay nhiều dự án xây dựng mới tại đây lại đang đi ngược lại tính bản địa của vùng đất này.
Một thị nhất nhỏ bé, bình yên như Sapa, vốn không phù hợp với hàng loạt những công trình đồ sộ, dày đặc như cách nhiều người dân và doanh nghiệp đang xây dựng.
Những điều đơn giản nhất… tạo ra giá trị lớn nhất, bất ngờ nhất!
Bên cạnh sự phù hợp về văn hóa, kiến trúc của từng địa phương, một khía cạnh quan trọng khác của tính bản địa là nó xuất phát từ những hình ảnh rất dung dị, bình thường của chính vùng đất, con người.
Ông Long lấy ví dụ về hình ảnh hoa sen và đặt câu hỏi, tại sao trong tất cả các thiết kế văn hóa, truyền thông, quảng bá về hình hành của Việt Nam lúc nào cũng phải là hoa sen trong khi loài hoa này có ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, thậm chí còn lấy hoa sen làm quốc hoa của mình. Chính điều này đã khiến nhiều công trình sử dụng hình ảnh hoa sen của Việt Nam có phần phổ thông, chưa khác biệt. Tính bản địa, duy nhất của Việt Nam trong các thiết kế này vì thế cũng chưa nhiều. Tại sao các nhà thiết kế không đưa ra cách làm mới, lấy các hình ảnh khác, những loài cây cỏ, hoa lá khác của Việt Nam để tạo được sự ấn tượng nhiều hơn?
Đơn cử như tại khu đô thị Goldmark City, Hà Nội do Eden Landscape thiết kế cảnh quan, ông Long đã lấy hình ảnh “lá khoai” làm ý tưởng cho những thiết kế của mình. Từ một thứ cây cỏ rất mộc mạc, bằng ngôn ngữ thiết kế sáng tạo, ông đã biến đó thành một loại tạo hình mỹ thuật đô thị rất mới, vừa hiện đại, vừa gần gũi.
Nhìn thoáng qua có thể trông rất hiện đại, mới mẻ, rất Singapore, rất Tây, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy rất thân thuộc, gần gũi với hình ảnh quê nhà Việt Nam. Từ đó, tạo cảm giác thân quen khiến người ta yêu thích, muốn gắn bó với nó. “Tinh thần Singapore mình nên học hỏi nhưng những gì là bản sắc, bản địa của Việt Nam thì mình phải giữ”, ông Long nhấn mạnh.
Ảnh: Quảng trường Nước, khu đô thị Goldmark City, Hà Nội (nguồn: Eden Landscape)
Một ví dụ khác như khu đô thị Ecoriver tại Hải Dương. Vì muốn lấy nghĩa “ánh sáng” trong từ “hải dương” để xây dựng một biểu tượng mới cho thành phố, ban đầu dự án Ecoriver dự định đưa loài hoa hướng dương về trồng tại đây và để chúng xuất hiện trong nhiều kiến trúc biểu tượng của khu đô thị. Tuy nhiên, hoa hướng dương là biểu tượng phương tây. Do đó, sau một thời gian nghiên cứu, ông Long đã tìm thấy và đưa hoa súng vào thay thế. Loài hoa này vừa là biểu tượng của ánh sáng, vừa mang tính sinh thái, tính bản địa của vùng đất này. Hiện nay, hoa súng cũng đã được xây dựng và trở thành biểu tượng chính tại cửa ngõ phía Đông Nam thành phố Hải Dương.
Hay như việc thiết kế các khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều dự án đang cố gắng xây dựng thật hoành tráng, làm phá vỡ hết cảnh quan tự nhiên. Khi nhiều chủ đầu tư vẫn còn giữ suy nghĩ là cứ xây dựng hoành tráng mới đẳng cấp. Song đây là cách làm rất sai lầm, bởi khách du lịch quốc tế, khách chất lượng cao hiện nay đang đi tìm những gì thiên nhiên, mộc mạc, bình dị nhất nhưng lại là mới lạ nhất. Do đó, những gì là nét riêng, tính bản địa riêng của từng địa phương cần được lưu giữ để phát triển du lịch một cách bền vững.
“Trong kiến trúc người ta luôn luôn đi tìm cái mới, nhưng cái đó ở đâu? Thực chất nó không phải đâu xa mà ngay xung quanh mình, ngay trong những điều giản dị thuộc về tự nhiên, thiên nhiên vốn có và trong cuộc sống hàng ngày, quan trọng là mình phải luôn có những góc nhìn khác biệt” – ông Long nhấn mạnh.
Nguồn: Doanh Nhân Việt