Bản sắc của một đô thị là những tính chất phân biệt đô thị đó với những đô thị khác. Một đô thị không có bản sắc là một đô thị không có đặc điểm riêng mà chung chung giống như nhiều đô thị khác, tựa như một con người không có tên họ riêng của mình vậy.
MỘT SỐ KHÁI NIỆM BẢO TỒN BẢN SẮC ĐÔ THỊ
Trong hiến chương Bắc Kinh 1999 có mục ghi: “Sự thiếu vắng bản sắc địa phương. Nền văn hoá của kiến trúc có được là nhờ sự tích luỹ của từng địa phương trong lịch sử… Về một ý nghĩa nào đó thì đấy chính là linh hồn các thành phố làng mạc của chúng ta” “Tuy nhiên sự toàn cầu hóa công nghệ đã làm cho con người ngày càng tách dời khỏi mảnh đất của họ… Bản sắc địa phương đang phai nhạt dần. Liệu một kiến trúc sư có thể đóng góp gì để trả lại linh hồn cho các thành phố vốn đã từng có những nét đặc trưng trong các thế kỷ qua?”
Sau thế chiến II, Nhật Bản xây dựng lại trên đống đổ nát. Các kiến trúc sư đã áp dụng những kinh nghiệm của các nước phương Tây để tái thiết lại Nhật Bản. Trong hơn 10 năm từ sau năm 1945 đến gần năm 1960, họ xây dựng dập khuôn những ngôi nhà bằng bê tông cốt thép hay khung thép có tường kính lớn. Sau này họ nhận ra chúng không phù hợp với khí hậu Nhật Bản và cũng không mang được bản sắc Nhật Bản. Từ năm 1960, các kiến trúc sư Nhật Bản đã đề ra thuyết Chuyển hóa luận nhằm làm kiến trúc hiện đại Nhật Bản đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và mang đậm bản sắc. KTS Kenzo Tange và các KTS lớn của Nhật Bản như Kuniô Mayêkawa, Junjo Sakakura… đã khai thác kiến trúc truyền thống Nhật nhưng từ chối hướng mô phỏng nguyên xi, họ không coi việc phục hưng di sản cũ là mục đích của kiến trúc mới. Kenzo Tange nói: “Truyền thống dân tộc là một vòng đá đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới dạng mới” và “không ai ấu trĩ đem một mái nhà cổ úp lên một công trình kiến trúc hình hộp rồi bảo đó là dân tộc – hiện đại. Cần phải thấu hiểu một cách tường tận, sâu sắc những nguồn gốc hình thành kiến trúc truyền thống. Ở bất cứ nơi nào, kiến trúc truyền thống cũng được tạo dựng thông qua điều kiện thiên nhiên, khí hậu, tập quán sinh họat của con người mà có được không gian, tỷ lệ và hình thức kiến trúc địa phương thích hợp, đó là cái hồn của kiến trúc truyền thống cần phải nắm bắt và khai thác”.
Kinh thành Huế
Gần chúng ta hơn, kinh nghiệm của Singapore cũng cho ta bài học về Bản sắc kiến trúc. Giáo sư kiến trúc William Lim đã viết về Singapore như sau: “ …những nỗ lực của chính phủ nhằm tạo ra các biểu tượng giả lịch sử chẳng hạn như Merlion – một sinh vật nửa sư tử nửa cá – và tạo ra những địa điểm kiểu công viên theo chuyên đề như phố Bugis (Bugis Street) được xây dựng lại để tạo ra bản sắc thị giác thường bị méo mó bởi nhu cầu làm thỏa mãn nỗi luyến tiếc quá khứ và để tạo ra sự quan tâm tới du lịch. Những tác động có tính tàn phá của quy hoạch theo chủ nghĩa Hiện đại, di dời nhiều nhà ở và tái phát triển đã để lại cho Singapore không hơn gì một hình ảnh của một thành phố được chế tạo hàng loạt, được điều chỉnh quá mức có vẻ hào hoáng và sạch sẽ, ngăn nắp. Trong quá trình thực hiện, thành phố đã bị lột trụi sinh khí…”
Ông nhận xét: “kiến trúc luôn luôn liên kết với những vấn đề về bản sắc thị giác và bản sắc văn hóa”.
Hai kinh nghiệm trên cho ta thấy nếu áp dụng máy móc theo trào lưu kiến trúc hiện đại phương Tây thì thất bại. Nhưng nếu cố gắng gìn giữ những yếu tố theo truyền thống thì có ổn không? Hiến chương Bắc Kinh đã đề cập tới vấn đề này: “Trong thế kỷ tới (tức là thế kỷ 21) sự cùng tồn tại của toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa nguyên trước hết sẽ đem lại những xung đột và mâu thuẫn đặc trưng cho thời đại của chúng ta” và “Chúng ta đang đối mặt với một thế giới đầy mâu thuẫn. Những sự tương phản giữa toàn cầu hóa địa phương hóa, giữa chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa quốc gia, giữa tính phổ thông và tính đặc thù, giữa sự ổn định và sự linh hoạt vv…không ngừng gia tăng “…” Bất cứ một kiến trúc sư nào cũng đều phải xử lý các mâu thuẫn ấy một cách có nghiệp vụ khi quyết định lựa chọn giữa tự do và quy tắc, nghệ thuật và khoa học, truyền thống và hiện đại, di sản và đổi mới, công nghệ và địa điểm, đồng hóa và đa dạng… Lý thuyết tổng quát về kiến trúc là một quá trình biểu chưng của các mâu thuẫn ấy và “ …Liệu những khái niệm truyền thống có tiếp tục tồn tại được không trong các thành phố của thế kỷ tới ? (ý nói thế kỷ 21)”.
Như vậy rõ ràng là, những cái gì làm nên bản sắc đô thị này khác với đô thị khác thì ta cần bảo tồn. Việc giữ lại những yếu tố truyền thống cần cân nhắc trong hệ thống mâu thuẫn để những cái đó không cản trở sự tiến hóa phát triển của kiến trúc đô thị. Hệ sinh thái đang bị vi phạm nghiêm trọng, nhất là hệ thực vật, để xây cất các khu công nghiệp, các đô thị không cây xanh. Hiến chương Athene đã ghi: “Một khi đã lan ra, từng chút một đô thị lần lượt nuốt chửng các khoảng không gian xanh xen kẽ. Càng nhiều thửa đất có cây cối bị thiệt hại bao nhiêu thì các điều kiện tự nhiên càng bị phá hủy bấy nhiêu”.
Ở nước ta, Đà Lạt ít nhất cũng phải bảo tồn được hoa, đồi thông. Ở Huế thì ngoài kiến trúc kinh thành, phải bảo tồn và tôn tạo sông Hương. Một nhà văn đã thốt lên: “Không biết Huế sẽ ra sao nếu không có sông Hương ?”
KHÁI NIỆM VỀ PHÁT TRIỂN BẢN SẮC ĐÔ THỊ.
Những yếu tố tạo nên bản sắc của đô thị có nhiều. Yếu tố nào mang lại hiệu quả lớn nhất về bản sắc độc đáo thì củng cố và phát triển để tạo dấu ấn mạnh mẽ về bản sắc của đô thị. Các yếu tố khác tùy từng trường hợp mà có mức độ phát triển.
Ví dụ, Đà Lạt phát triển thêm hoa, tạo thêm đồi thông … Huế thì làm sạch sông Hương, củng cố hai bên bờ vv…
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA LIÊN QUAN ĐẾN BẢN SẮC ĐÔ THỊ TRONG THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN.
Trong thực tế phát triển đô thị ở Việt Nam, nhiều vi phạm đã làm hỏng bản sắc đô thị. Khởi đầu là san đồi núi để xây dựng thành phố Xuân Hòa ở Vĩnh Phúc. Sự kiện đó diễn ra từ những năm 60 của thế kỷ trước, vậy mà rất nhiều nơi không rút ra bài học. Ví dụ tại thị xã Bắc Kạn, một tỉnh miền núi vậy mà san bằng hết để tạo nên mặt bằng như một tỉnh miền xuôi và để xây những công trình y như ở đồng bằng. Trên thị trấn Sapa đã làm những con đường bê tông thẳng tắp cứng đờ chạy trên đồi núi đâm vào những thắng cảnh. Ở Tam Đảo, một thành phố trên núi mà xây dựng bao nhiêu nhà cao tầng y như Hà Nội vậy. Hành động này đã phá cảnh quan đặc sắc của một đô thị nghỉ mát có tiếng của miền Bắc. Không đâu xa ngay giữa Hà Nội, một cảnh quan đặc sắc nhất của thủ đô là Hồ Gươm cũng bị những tòa nhà cao ốc vây quanh, thu hẹp không gian Hồ Gươm lại …
Vậy thì ở đây vấn đề dặt ra là phải giữ được tính bản sắc nhưng là tính chất bản địa đương đại không phải là truyền thống cũ kỹ – William Lim viết rằng: “Tính bản địa đương đại bây giờ càng được chấp nhận như một công cụ hữu hiệu của đô thị để phát triển nơi thả neo an toàn cho các tàu nhất là trong thời kỳ phát triển kinh tế nhanh và phá hoại đô thị một cách bừa bãi”.
“Khái niệm của tính bản địa đương đại không phải là sự hoài cổ mà cũng không phải là quay về với thực tiễn của khu vực”.
Phố cổ Hội An
Hiến chương Bắc Kinh nhấn mạnh “Việc địa phương hóa kiến trúc hiện đại và hiện đại hóa kiến trúc địa phương là cách tiếp cận chung cần được mọi người chia sẻ trong tiến trình hướng tới sự thăng hoa của kiến trúc”.
“Mối quan hệ mang tính nhất thể với thiên nhiên là một yếu tố quan trọng khác phải được tính đến”.
Tóm lại, vấn dề đặt ra là gìn giữ bản sắc địa phương, nhưng hiện đại hóa nó lên không được hoài cổ và tạo với thiên nhiên một sự nhất thể. Điều này làm ta liên tưởng đến lý thuyết kiến trúc Hữu cơ của Frank Lloyd Wright.
VẤN ĐỀ BẢN SẮC VÀ CHỦ NGHĨA VÙNG (XU HƯỚNG BẢN ĐỊA-RÉGIONALISME) TRONG KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ TRÊN THẾ GIỚI.
Mỗi vùng có bản sắc riêng mang tính chất bao trùm lên khu vực. Nhưng trong mỗi vùng có nhiều đô thị, mỗi đô thị lại phải có bản sắc riêng của mình, đó là cái duyên riêng. Nhưng bao trùm lên hết là tính chất của vùng. Ví dụ, các tỉnh miền núi có sắc thái khác các đô thị miền xuôi và vùng biển, nhưng trong những tỉnh ấy, mỗi đô thị lại có cái riêng của mình – Alvar Aalto đã nói: “việc giữ gìn sự khác biệt cũng phải được tăng cường. Sự phát triển của kiến trúc phải bắt nguồn từ bối cảnh khu vực và phải lấy các điều kiện địa phương làm xuất phát điểm cho việc tìm kiếm các giải pháp tốt hơn”.
Hiến chương Bắc Kinh cũng viết: “Theo định nghĩa, kiến trúc là một sản phẩm mang tính khu vực”.
Hiến chương Athene cũng nói đến vấn đề vùng trên quan điểm bao quát, trong đó hiển nhiên là cũng mang nội dung bản sắc: “Cần nghiên cứu đô thị đồng thời với vùng ảnh hưởng của nó “…” Giới hạn ảnh hưởng kinh tế của một khu vực dân cư phải được xác định thông qua vai trò của vùng”.
William Lim nhận định: “Trên toàn cầu, nhưng đặc biệt ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở Châu Á, nhiều nước đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về bản sắc, không có sự nhận dạng và không có sự địa phương hóa lãnh thổ”.
Ông ca ngợi: “Các tấm gương kiến trúc bao gồm cả nhà Nghị viện bang Vidham Bhavan ở Bhopal (Ấn Độ) của Charles Correa là sự kết hợp thành công kỳ lạ của cái địa phương và cái đương đại”.
Như vậy, tính chất địa phương và tính chất khu vực, tính chất vùng cũng là một (đó là Regionalism). Ngày nay thế giới rất chú trọng tính chất này, chính nó tạo nên bản sắc của đô thị một cách đậm đà nhất. Đó cũng chính là phản ứng chống lại tính chất quốc tế Cosmopolitanism mà kiến trúc Hiện đại (đại diện là chủ nghĩa công năng Functionalism) đã chủ chương phát triển trên nửa thế kỷ 20, làm lu mờ tính chất địa phương, biến hầu hết các đô thị phương Tây mất bản sắc và na ná nhau theo nguyên lý quy hoạch của CIAM, các quy định của Le Corbusier về ngôi nhà và hơn nữa theo chủ nghĩa Rohe với khẩu hiệu “Less is more” (ít hơn tức là nhiều hơn).
Trong quá trình diễn giải về kiến trúc Hậu Hiện đại, Charles Jencks đã nhấn mạnh tính chất của “mã quần chúng” bằng các hình thức kiến trúc cổ điển và đi đến tạo ra chủ nghĩa cổ điển Hậu – Hiện đại, coi đó như một bản sắc của đô thị. Việc lý giải của Jencks mang tính chất chung và nhân văn của tính Hậu – Hiện đại mà không chú trọng đến tính chất khu vực. Chính vì thế trong bài tiểu luận “Tiến tới chủ nghĩa khu vực có phê phán” (Towards a critical Regionalism), Kenneth Frampton đã thẳng thắn phê phán khuynh hướng phổ biến hóa chủ nghĩa Hiện đại và trình bày hời hợt chủ nghĩa Hậu – Hiện đại của Jeneks.
Bản sắc của đô thị xuất phát từ thực tế khách quan của xã hội. Kiến trúc sẽ phản ánh thực tế đó như thế nào. Hiến chương Bắc Kinh ghi: “sau cuộc cách mạng công nghiệp, sự đô thị hóa với tốc độ ngày càng tăng đã dẫn đến những biến đổi lớn trong cơ cấu đô thị và các hình thức kiến trúc. Môi trường vật chất đã trở nên hỗn loạn. Chúng ta phải cố gắng lấy lại trật tự từ tình trạng hỗn loạn này, tìm ra cái đẹp, cái hài hòa từ mớ hỗn độn ấy”.
Châu Đốc, An Giang
Điều nêu trên không khác gì ý kiến của Robert Venturi (và Denise Scott Brown) khám phá ra nguồn cảm hứng ở Pop-Art, ca ngợi và khôi phục lại giá trị của “loại hàng xấu”. Ông thừa nhận tất cả những gì đang tồn tại, cho là nguyên mẫu của “văn hóa quần chúng”. Ông chủ trương thuyết “Bao gồm” (inclusivism) đối với kiến trúc. Nội dung thuyết này là không loại bỏ sự phức tạp và mâu thuẫn của cuộc sống thực tế. Ông đòi hỏi phải thấy được cuộc sống đúng như nó tồn tại. Kiến trúc là một sản phẩm trực tiếp của sự tồn tại với tất cả các giới hạn về kinh tế và mâu thuẫn xã hội. Nó không đối lập với tính tầm thường và lộn xộn của môi trường chung quanh mà trái lại sinh ra từ môi trường tầm thường lộn xộn đó. William Lim đã viết: “Trong quá trình thực hiện, thành phố (ý nói Singapore) đã bị lột trụi sinh thái, tính chất phức tạp và hỗn loạn, những phẩm chất làm cho các thành phố láng riềng ở Châu Á như Bangkok, Tokyo và Thượng Hải có vẻ sống động và lý thú hơn nhiều”.
Như vậy Lim cũng thấy ở sự phức tạp lộn xộn của cuộc sống làm nên bản sắc của đô thị.
NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA TRONG HƯỚNG DẪN BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BẢN SẮC ĐÔ THỊ TẠI VIỆT NAM.
Trong bản báo cáo của chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) có tựa đề “Tự do văn hóa trong thế giới đa dạng ngày nay” đã phản bác vạch trần 4 đức tin về những chuyện hoang đường.
– Thứ nhất là Quyết định luận văn hóa (cultural determinism). Luận cương năm1930 của Max Weber về bản chất của giá trị đạo tin lành trong sự phát triển thành công của nền kinh tế công nghiệp tư bản chủ nghĩa đã thay đổi bởi sự thành công mới đây về kinh tế các nước không theo đạo tin lành ở Tây Âu.
– Thứ hai là chủ nghĩa truyền thống văn hóa thường trở thành công cụ để chặn đường sự phát triển văn hóa khác và để chèn ép những nền văn hóa thấp hơn.
– Thứ ba là tính đồng nhất văn hóa thường là nơi có một ngôn ngữ, có một nền văn hóa thống nhất, nó ngăn trở sự đa dạng hóa trong văn hóa.
– Thứ tư là bản sắc khác thường ở nơi mà ý niệm về bản sắc được nhận thức như đã cố định và ổn định. Chính điều này cũng giống điều thứ ba là ngăn trở sự đa dạng hóa vì ngay bản sắc khác thường cũng biến đổi chứ không ổn định.
Trong bốn đức tin về những chuyện hoang đường do UNDP đưa ra, ta thấy 3 điều sau là kinh nghiệm dễ làm chúng ta mắc sai lầm khi bảo tồn một cách cứng nhắc truyền thống, tính đồng nhất văn hóa và bản sắc khác thường của đô thị. Cần nhớ rằng, người Việt Nam có tính cởi mở khoan dung, chấp nhận sự cộng sinh văn hóa và đa dạng văn hóa. Do đó những yêu cầu đặt ra trong hướng dẫn bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị Việt Nam cần bám chặt vào tính chất địa phương đương đại, không né tránh những yếu tố phức tạp dầy mâu thuẫn.
Ở đây cần phân biệt hai khái niệm là tính nhất thể và sự đồng nhất văn hóa. Tính nhất thể tạo nên một tổng thể hài hòa của những cái khác nhau, tức là tạo nên một tổng thể đa dạng nhưng mang tính chất chung của bản sắc khu vực, thành một thể thống nhất. Còn sự đồng nhất văn hóa lại cản trở sự đa dạng, cố gắng giữ cái đồng nhất, ví dụ chỉ có một tộc người, một tiếng nói.
Như vậy, để hướng dẫn bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị tại Việt Nam cần làm những việc sau:
1) Mỗi đô thị phải tìm ra các bản sắc của mình, lập bảng phân loại và chọn ra những bản sắc độc dáo nhất hay là một bản sắc chủ đạo của đô thị mình: bản sắc trội.
2) Lập bảng thứ tự ưu tiên các bản sắc từ cái trội nhất trở xuống. Có khi cái trội nhất hiện nay đã bị lu mờ do đô thị hóa và sự lộn xộn lai tạp, ta phải chỉ ra cái đúng, cái đáng trội nhất của địa phương để tập trung phát triển nó lên trở thành yếu tố bản sắc chủ đạo.
3) Phát hiện bản sắc mới xuất hiện nhưng có triển vọng phát triển ổn định lâu dài. Ví dụ, phát hiện nguồn suối nước nóng, điều này sẽ có triển vọng thay đổi bản sắc đô thị. Hoặc đô thị sẽ xây dựng một trung tâm Disneyland chẳng hạn.
4) Đề ra các biện pháp bảo tồn, phát triển bản sắc khác theo thứ tự ưu tiên.
5) Lập quy trình hướng dẫn cách bảo tồn, phát triển cái bản sắc đó. Các cơ quan hữu trách phải tuân thủ thi hành.
6) Giáo dục quần chúng về giữ gìn bản sắc đô thị và giao cho các đoàn thể quần chúng một phần việc cụ thể trong việc bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị. Việc quần chúng nhân dân cùng tham gia với chính quyền trong việc gìn giữ bản sắc là rất quan trọng.
PGS.TS.KTS Tôn Đại